Trước sự bùng phát của dịch nCoV, nhiều ngân hàng đã có giải pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi dịch bệnh.
Trước bối cảnh dịch nCoV đang diễn biến phức tạp, khiến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã chỉ đạo toàn hệ thống duy trì đảm bảo hoạt động bình thường để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng cần xây dựng kịch bản, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm ứng phó với dịch bệnh này.
Theo đó, các NHTM có thể thực hiện các giải pháp như: cơ cấu lại nợ, dư nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét giảm lãi suất, cho vay mới để khách hàng bị thiệt hại có điều kiện nuôi trồng, kinh doanh mới.
Về lãi suất, không ấn định một mức lãi suất cụ thể, NHNN khuyến khích các NHTM nên giảm lãi suất cho những đối tượng đang chiụ ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, ngoài những lĩnh vực ưu tiên đang hưởng lãi suất cho vay 6%/năm.
Nhiều doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi dịch virus corona. (Ảnh minh họa) |
Các NHTM cho biết, đã chủ động phân tích tình hình, rà soát, đánh giá khó khăn của những doanh nghiệp, lĩnh vực bị ảnh hưởng dịch, xây dựng kịch bản ứng phó, có các giải pháp cụ thể như cơ cấu lại nợ, chưa chuyển nhóm nợ, hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất… hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Theo nhận định của các NHTM, đến thời điểm này có tới trên 50% danh mục hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, trong đó trên 15% bị ảnh hưởng nặng nề nếu dịch kéo dài. Nhiều ngân hàng đã đồng loạt đưa ra các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trước những thiệt hại mà dịch virus corona gây ra.
Ông Trần Văn Tần, Uỷ viên HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng này đã có văn bản đánh giá sơ bộ thiệt hại dịch bệnh gây ra với nền kinh tế gửi cho các chi nhánh toàn quốc, đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh rà soát lại nắm bắt cụ thể khi có diễn biến mới…
Ngân hàng cũng có những giải pháp cụ thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ngoài các lĩnh vực ưu tiên áp dụng lãi suất 6%/năm, VietinBank còn đưa ra chương trình cho vay với một số lĩnh vực khác, lãi suất là 6,8%/năm.
Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank, ngân hàng đã có sự chuẩn bị khá tốt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tăng lãi suất huy động cao hơn lãi suất cho vay, thanh khoản khá bền vững. Ngân hàng dự kiến đưa ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi khoảng 6,5%/năm.
Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng tính toán sơ bộ, sẽ có khoảng hơn 50% danh mục hàng hoá Việt Nam bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch này, tùy mức độ, trong đó, 15% bị ảnh hưởng lớn nếu như dịch diễn biến kéo dài. Ngân hàng cũng đã có kế hoạch, rà soát, đánh giá khách hàng, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: cơ cấu lại nợ, cơ cấu thời hạn cho vay, có chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch nCoV.
Ông Phạm Văn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank thì chia sẻ, ngân hàng đang cùng khách hàng nhận diện, đánh giá những ngành, lĩnh vực, khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Agribank luôn có những gói tín dụng hàng chục ngàn tỷ đồng sẵn sàng giải ngân với lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp.
Về phía NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM. Trong điều kiện thanh khoản hiện dồi dào, ngân hàng không thiếu vốn, các NHTM không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Nếu cần thiết, NHNN cũng sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành, qua đó gián tiếp hỗ trợ các NHTM giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
“Hỗ trợ phải đúng địa chỉ, không được để tình trạng làm theo phong trào, mập mờ, che đậy sai phạm thiệt hại không phải do dịch bệnh, lợi dụng nhận hỗ trợ, tranh thủ cơ cấu lại nợ”, Phó Thống đốc Đào Minh tú nhấn mạnh./.
Chung Thủy/VOV.VN