Các địa phương cần thực hiện nghiêm các khuyến nghị của EC cũng như quy định của Chính phủ, Bộ NN & PTNT trong đánh bắt hải sản.
Trong 2 ngày, 14-15/2, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia IUU dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác triển khai thực hiện quy định về hoạt động khai thác đánh bắt hải sản theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam vào chiều tối 14/2, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết, năm ngoái, ngư dân địa phương đánh bắt hơn 115.000 tấn hải sản các loại. Toàn tỉnh có hơn 3.300 tàu thuyền từ 6 mét trở lên, trong đó 748 tàu từ 15 mét trở lên. 2 năm qua, ngành chức năng địa phương tiến hành kiểm tra hơn 1.800 lượt tàu cá đánh bắt xa bờ.
Ngư dân trình giấy tờ xin phép cập bến |
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, để tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) trong thời gian sớm nhất, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể trong năm nay. Trọng tâm là tiếp tục triển khai Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong ngư dân về khai thác có trách nhiệm là rất cần thiết.
“Toàn bộ tàu cá đánh bắt ngoài khơi từ 15 mét trở lên trong lộ trình sẽ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản và Nghị định 26 của Chính phủ quy định đến ngày 1/4 này là hết hạn. Toàn bộ tàu cá của Quảng Nam đều phải tuân thủ quy định của pháp luật về đăng kiểm, đăng ký, giấy phép khai thác, đăng ký thuyền viên, báo cáo nhật ký khai thác”, ông Ngô Tấn cho hay.
Thiết bị giám sát và tự động báo về bờ trên tàu cá |
Báo cáo của Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT vào sáng 15/2 cho thấy, địa phương cũng đã nỗ lực triển khai các quy định về hoạt động khai thác đánh bắt hải sản. 3 năm qua, ngành chức năng thực hiện 44 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổng số hơn 8.300 lượt tàu cá, xử phạt hành chính hơn 210 triệu đồng; yêu cầu chủ tàu ký cam kết về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá hành nghề lưới kéo có chiều dài từ 15 mét đến 24 mét.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi năm, ngư dân thành phố đánh bắt khoảng 35.000 tấn hải sản các loại, trong khi đó, tổng sản lượng hải sản qua cảng trên 100.000 tấn.
Đoàn công tác của Bộ NN và PTNT kiểm tra tại cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng |
“Tất cả tàu cá khai thác vùng biển khơi lắp thiết bị hành trình đều được hỗ trợ 100% thiết bị của năm đầu thuê bao. Bảo hiểm thân tàu hiện nay địa phương cũng đã triển khai với mức 50% là của Trung ương, 40% là của thành phố, còn 10% là trách nhiệm của chủ tàu. Làm tốt công tác này thì có thể kiểm tra đánh bắt khơi xa rất hiệu quả, tàu đi đâu, làm gì có thể kiểm soát được”, ông Hồ Kỳ Minh cho biết thêm.
Ông Phùng Đức Tiến và Đoàn công tác của Bộ NN &PTNT làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương ở miền Trung cần tăng cường giám sát khai báo trước khi tàu cập cảng, kiểm sát tàu cá ra vào cảng; các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong ghi hồ sơ kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản... Ông Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các khuyến nghị của EC cũng như quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Qua kiểm tra ở 3 địa phương thì phải nói là việc thực thi IUU đã có bước chuyển biến. Tuy nhiên so với yêu cầu, 4 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu thì thực hiện chưa tốt. Để đáp ứng yêu cầu của thanh tra châu Âu thì tất cả các tỉnh phải quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh đến các bộ phận chuyên ngành”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh./.”
Hoài Nam/ VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/can-thuc-hien-nghiem-khuyen-nghi-cua-ec-trong-danh-bat-hai-san-1010672.vov