Đơn hàng dần quay trở lại, xuất khẩu đồ gỗ khởi sắc

Thứ 5, 16.05.2024 | 09:15:54
417 lượt xem

Thị trường xuất khẩu đồ gỗ đang “ấm” dần khi doanh nghiệp đang có được các đơn hàng mới, sau một năm gặp nhiều khó khăn cả về đơn hàng và thị trường.

Xuất khẩu đồ gỗ đang dần phục hồi

Vượt qua khó khăn từ việc suy giảm đơn hàng, từ cuối năm 2023, Công ty CP Chế biến gỗ xuất khẩu Khải Hoàn liên tục nhận được các đơn hàng với lượng đơn hàng trả đến hết năm 2025.

Chỉ tính riêng năm 2023, doanh nghiệp đã sản xuất và xuất khẩu được hơn 1.000 container mặt hàng gỗ nội thất sang thị trường Mỹ, Canada. Tình hình khả quan giai đoạn cuối năm đã giúp doanh nghiệp đạt doanh thu năm 2023 vượt hơn năm 2022.

Để có được kết quả này, bên cạnh nhu cầu dần quay trở lại, Công ty CP Chế biến gỗ xuất khẩu Khải Hoàn đã tích cực đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chế biến gỗ. Đồng thời mở rộng, chuẩn bị vận hành thêm nhà xưởng sản xuất mặt hàng sofa để đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu.

Theo các doanh nghiệp đồ gỗ, đẩy mạnh chế biến sâu là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp có được các đơn hàng khi nhu cầu thị trường tăng trở lại.

Tình hình khả quan của Công ty CP Chế biến gỗ xuất khẩu Khải Hoàn cũng là bức tranh chung của doanh nghiệp ngành gỗ trong những tháng đầu năm nay.

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2024 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 3/2024 và tăng 19,4% so với tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Chia sẻ về lợi thế của doanh nghiệp gỗ Việt Nam, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế từ nguồn lao động tay nghề cao, nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, gỗ nhập khẩu hợp pháp, có khả năng sản xuất ra các sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc.

Mặt khác, các mẫu mã thiết kế sản phẩm của Việt Nam cũng đang ngày càng đa dạng, đáp đáp ứng tốt nhu cầu của thế giới.

Ông Giafar Safaverdi, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Dịch vụ IKEA Việt Nam, Quản lý Khu vực Cung ứng Đông Nam Á, Tập đoàn IKEA (một trong những tập đoàn xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới) chia sẻ thêm, Việt Nam được đánh giá là một thị trường cung ứng gỗ quan trọng cho các nhà cung cấp của IKEA.

Nơi đây cung cấp một lượng lớn gỗ keo (gỗ Acacia) - loại gỗ sẫm màu có nguồn gốc được chứng nhận bởi Hội đồng Quản lý rừng (FSC), phù hợp với các sản phẩm bàn ghế ngoài trời của IKEA.

Trong thời gian sắp tới, IKEA sẽ nghiên cứu thu mua gỗ cao su với nhiều ứng dụng trong việc sản xuất đồ nội thất. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ đang đứng trước cơ hội bứt phá trong năm 2024 khi lạm phát ở Mỹ - thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam bớt gay gắt hơn.

Mặt khác, hàng tồn kho ở thị trường Mỹ đã giảm xuống mức thấp và nhà nhập khẩu sẽ quay trở lại đặt hàng trong năm 2024.

Năm 2024, thị trường có dấu hiệu phục hồi nhẹ, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều hơn.

Trong nước, lãi suất cho vay đang ổn định, doanh nghiệp cũng đã có một năm tích lũy kinh nghiệm trong quản trị dòng tiền, nên khó khăn đã giảm bớt.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Cơ hội là có, song khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ vẫn chưa hết. TS Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại phân tích, do doanh nghiệp đồ gỗ hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ còn thấp, nguồn lực tài chính hạn chế nên chưa đủ để đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh.

Chưa kể, ngành gỗ còn tồn tại một số hạn chế nội tại như cơ cấu sản phẩm vẫn nghiêng về các sản phẩm có giá trị thấp như xuất khẩu dăm gỗ đứng thứ nhất thế giới. Còn những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn như gỗ ván, nội ngoại thất tỷ trọng còn thấp, hiệu quả sử dụng gỗ còn lãng phí so với thế giới.

Bên cạnh đó, những khó khăn bên ngoài như xung đột địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp khiến chi phí logistics gia tăng; các quy định về phòng, chống suy thoái rừng sẽ được châu Âu áp dụng từ cuối năm 2024; các loại thuế về carbon sẽ đến nhanh hơn; thị trường Mỹ áp quy định về chống bán phá giá, điều tra tủ bếp…

Đây là những thách thức mà doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất phải đối mặt và cần kịp thời nắm bắt thông tin để có các giải pháp ứng phó.

Đơn hàng dần quay trở lại, xuất khẩu đồ gỗ khởi sắc ảnh 1

Liên kết là giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, TS Lê Quốc Phương cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ cần nỗ lực đa dạng hoá thị trường bằng cách tập trung xúc tiến thương mại vào các thị trường tiềm năng mà chưa khai thác được nhiều như Trung Đông, châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu.

Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm triển lãm lớn đối với đồ gỗ để quảng cáo thương hiệu ngành gỗ Việt Nam. Khi có thương hiệu toàn ngành, thương hiệu doanh nghiệp thì khách hàng sẽ tìm tới.

Ông Giafar Safaverdi chia sẻ thêm, lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam chính là các khung khổ hội nhập đang mang lại cơ hội xuất khẩu đồ gỗ với mức thuế thấp.

Do đó, các nhà sản xuất cần tập trung vào việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm và nghiên cứu các chính sách hỗ trợ thương mại, cũng như cập nhật xu hướng tiêu dùng và sở thích của khách hàng toàn cầu.

Hơn nữa, việc xây dựng mạng lưới phân phối mạnh mẽ và tập trung vào phát triển các hoạt động kinh doanh bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác hết tiềm năng từ các FTA.

Về phía các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với khách hàng nước ngoài, sản xuất những mẫu mã mới mang thương hiệu riêng để chiếm lĩnh thị trường mục tiêu.

Nhiều thị trường mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia, Singapore, Lào, Indonesia, Philippines… được doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai thác đang đạt mức tăng trưởng khá tốt.

Ông Ngô Sỹ Hoài khuyến cáo, điều rất quan trọng là các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp thuần Việt cũng như các doanh nghiệp FDI phải có sự liên kết chặt chẽ hơn, nhiều hơn và có sự tương tác nhiều hơn. Bởi lâu nay đang có tình trạng các doanh nghiệp “mạnh ai người nấy làm”, thâm nhập vào các thị trường bên ngoài với tư cách là từng công ty, từng doanh nhân cá thể chứ không phải là với tư cách một ngành hàng, một quốc gia. Cho nên đôi khi chúng ta chịu thua thiệt, bị ép giá, không có đủ năng lực để có thể thực hiện được các đơn hàng lớn.

Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần phải có sự liên kết nhiều hơn và thậm chí cần phải bắt tay với nhau để tổ chức lại chuỗi cung ứng tốt hơn, giảm giá bán và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm đồ gỗ.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/don-hang-dan-quay-tro-lai-xuat-khau-do-go-khoi-sac-post809495.html

  • Từ khóa