Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024 và điều chỉnh phân vùng một số địa bàn

Thứ 6, 17.05.2024 | 15:04:29
483 lượt xem

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chính thức đề xuất tăng 6% mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động so với mức hiện hành. Thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu mới từ ngày 1/7/2024. Đồng thời, cũng cập nhật, điều chỉnh phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu cho phù hợp thực tế.

Người lao động tại công ty TNHH Bumjin Electronics Vina. Ảnh: THÀNH ĐẠT

MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU TỪ NĂM 2022 KHÔNG CÒN BẢO ĐẢM MỨC SỐNG TỐI THIỂU

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình số 15/TTr-BLĐTBXH trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo cơ quan này, ngày 12/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 1/7/2022 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 38/2022/NĐ-CP)

Theo đó, mức lương tối thiểu tháng điều chỉnh tăng bình quân 6% so với năm 2020. Các mức cụ thể quy định theo vùng là: vùng I là 4.680.000 đồng, vùng II là 4.160.000 đồng, vùng III là 3.640.000 đồng, vùng IV là 3.250.000 đồng.

Cũng trong Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, quy định về mức lương tối thiểu giờ lần đầu tiên được ban hành, với các mức: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Tuy nhiên hiện nay, có một số vấn đề đặt ra cần phải xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP nêu trên. Cụ thể là:

Thứ nhất, các yếu tố về kinh tế-xã hội, thị trường lao động, khả năng của doanh nghiệp có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn so với năm 2022.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2023 đạt 5,05%, quý I năm 2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có xu hướng tốt hơn; tiền lương, thu nhập của người lao động tiếp tục ổn định và tăng lên, quý sau cao hơn quý trước.

Thứ hai, giá trị thực tế của mức lương tối thiểu tại Nghị định số 38/2022/NĐ- CP bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng tăng (CPI).

Với dự kiến CPI năm 2024 tăng 4%-4,5%, mức lương tối thiểu nêu trên sẽ không còn bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tại thời điểm năm 2024 (thấp hơn khoảng 4%).

Thứ ba, mức lương tối thiểu hiện được xác lập theo vùng và gắn với địa giới hành chính cấp huyện, tuy nhiên đến nay một số địa bàn áp dụng lương tối thiểu đã có thay đổi về địa giới hành chính (đổi tên, thành lập mới, nhập, giải thể) sau khi thực hiện sắp xếp lại theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc có sự thay đổi về điều kiện cơ sở hạ tầng, thị trường lao động, chính sách thu hút đầu tư nên cần phải rà soát, cập nhật.

Thứ tư, ngày 12/1/2024, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có báo cáo gửi Chính phủ khuyến nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6%, áp dụng từ ngày 1/7/2024.

Thứ năm, theo Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/ 2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thì kể từ ngày 1/7/2024, chính sách tiền lương sẽ được triển khai cải cách tổng thể theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Khi đó, tiền lương của các đối tượng thuộc khu vực công sẽ được điều chỉnh tăng. Vì vậy, nếu không điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với người lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động sẽ không bảo đảm cân đối và phát sinh sự so sánh, so bì giữa các khu vực.

Từ thực tế trên cho thấy, việc xây dựng Nghị định quy định mức lương tối thiểu để áp dụng cho năm 2024 là rất cần thiết, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, tăng tiền lương của người lao động phù hợp với quy định tại Điều 91 của Bộ luật Lao động 2019. Đồng thời, cập nhật, điều chỉnh phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu cho phù hợp tình hình thực tiễn.

TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU ĐỂ CẢI THIỆN TIỀN LƯƠNG, ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Việc ban hành Nghị định về tăng lương tối thiểu cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, góp phần tích cực cho việc cải thiện tiền lương, đời sống của người lao động, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Với quan điểm chỉ đạo việc xác định mức lương tối thiểu bám sát các căn cứ quy định của Bộ luật Lao động, có tính đến sự chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp, phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội theo tinh thần các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Kế thừa những quy định về lương tối thiểu còn phù hợp, đồng thời có sự rà soát, bổ sung các quy định về áp dụng mức lương tối thiểu tháng, mức lương tối thiểu giờ cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thoả thuận, trả lương cho người lao động, tránh tạo ra xáo trộn trong quan hệ lao động ở doanh nghiệp.

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá tình hình thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu.

Trên cơ sở ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại văn bản số 7978/VPCP-KTTH ngày 13/10/2023 và khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Tờ trình Chính phủ, Nghị định quy định mức lương tối thiểu áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Cùng với đó, cơ quan này gửi lấy ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định cũng được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ (http://www.chinhphu.vn) và Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (http://www.molisa.gov.vn) để lấy ý kiến rộng rãi các nội dung dự thảo Nghị định.

Dự thảo Nghị định có 5 điều. Nội dung chính là điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% so với mức hiện hành để áp dụng từ ngày 1/7/2024 như phương án Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất khuyến nghị Chính phủ tại báo cáo số 02/BC-HĐTLQG ngày 12/1/2024.

Dự thảo Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng. Vùng I là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 200.000 đồng - 280.000 đồng (tăng bình quân 6%) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn so với mức sống tối thiểu của người lao động dự kiến đến hết năm 2024 và cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025 (tính trước một phần CPI của năm 2025 vào mức sống tối thiểu để người lao động được hưởng ngay từ giữa năm 2024).

Mức điều chỉnh này được Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 100% thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.

Quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.

Mức lương tối thiểu giờ tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Đây là phương pháp được các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị Việt Nam lựa chọn và đã sử dụng khi tính mức lương tối thiểu giờ năm 2022. 100% thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.

Địa bàn phân vùng, nguyên tắc áp dụng phân vùng cơ bản kế thừa theo danh mục quy định hiện hành, ngoài ra có sự rà soát, cập nhật lại tên một số địa bàn sau khi có sự thay đổi do phải thực hiện sắp xếp lại địa giới hành chính theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những địa bàn có sự thay đổi về hạ tầng, mức độ phát triển thị trường lao động, vùng thu hút đầu tư theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với: thành phố Hải Dương thuộc tỉnh Hải Dương; thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí, thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh; huyện Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai; thành phố Tân An, huyện Đức Hòa, huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An.

Cùng với đó, điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với: thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và huyện Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Giang; thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách, Kim Thành thuộc tỉnh Hải Dương; thành phố Thái Bình thuộc tỉnh Thái Bình; thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa; huyện Tân Phú, huyện Cẩm Mỹ thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa; thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng; thị xã Kiến Tường thuộc tỉnh Long An.

Điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III đối với: các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Thanh Hà thuộc tỉnh Hải Dương; các huyện Thái Thụy, Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình; các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hóa; huyện Ninh Phước thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Việc điều chỉnh vùng của các địa phương nêu trên nhằm tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lận cận, do các địa bàn trên có sự phát triển hơn về thị trường lao động, hình thành các khu, cụm công nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, giáp với các địa bàn khác có mức lương tối thiểu cao hơn.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ, phương án lương tối thiểu nêu trên đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Đối với người lao động hiện nay đang hưởng lương thấp hơn mức lương tối thiểu thì được điều chỉnh lại để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới; đối với người lao động đã được trả lương bằng hoặc cao hơn với mức lương tối thiểu mới thì việc điều chỉnh thực hiện theo các cam kết, thoả thuận của các bên ghi trong thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, quy chế của doanh nghiệp.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/de-xuat-tang-luong-toi-thieu-tu-172024-va-dieu-chinh-phan-vung-mot-so-dia-ban-post809787.html

  • Từ khóa