Thời gian qua, do giá sầu riêng tăng cao cho nên nhiều địa phương đã mở rộng diện tích sản xuất loại cây trồng này. Việc tăng nóng diện tích cây sầu riêng nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường khi thị trường tiêu thụ hẹp và sự cạnh tranh trực tiếp từ các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Nông dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) kiểm tra vườn sầu riêng. (Ảnh NGUYỄN SỰ)
Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Mạnh cho biết: “Những năm qua, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn cả nước liên tục tăng. Nếu như năm 2015, diện tích trồng sầu riêng chỉ đạt 31,9 nghìn ha thì đến năm 2020 đã tăng lên 71,4 nghìn ha và hết năm 2023 đạt mức gần 151 nghìn ha, bình quân tăng 19,5%/năm. Sản lượng sầu riêng vì thế cũng tăng theo từ 366,3 nghìn tấn năm 2015 lên gần 1,2 triệu tấn năm 2023, bình quân tăng 14,7%/năm”.
Hiện nay, khu vực trồng nhiều sầu riêng nhất là Tây Nguyên với diện tích gần 75,5 nghìn ha, sau đó là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gần 43 nghìn ha, Đông Nam Bộ hơn 25 nghìn ha và Duyên hải Nam Trung Bộ hơn 7 nghìn ha. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thời gian qua giá sầu riêng tăng cao khiến nhiều nơi người dân ồ ạt trồng.
Đặc biệt, một số địa phương người dân còn chặt bỏ những cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng nóng diện tích sầu riêng, trồng không theo quy hoạch hoặc ở những nơi đất đai không phù hợp dễ dẫn đến cung vượt cầu, dư thừa sản phẩm, giá xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Qua thống kê, hiện nay sầu riêng của Việt Nam đã xuất khẩu quả tươi sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ; xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2023, nước ta xuất khẩu hơn 600.000 tấn sầu riêng, kim ngạch đạt hơn 2,241 tỷ USD.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: “Ước tính trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng nước ta đã đạt hơn 500 triệu USD, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sầu riêng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng tốt, trước hết là nhờ nhu cầu từ thị trường nhập khẩu tăng”.
Trước yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, bao bì đóng gói ngày càng nâng cao của thị trường nhập khẩu, các địa phương cần đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng. Hiện nay cả nước có 708 mã số vùng trồng với hơn 26.000 ha và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Tuy nhiên, tỷ lệ mã số vùng trồng được giám sát đạt 52%, cơ sở đóng gói đạt 47,6%; ở một số nơi chất lượng giám sát chưa được cải thiện... Ngoài ra, một số địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chỉ quan tâm đến hướng dẫn cấp mới nên chưa quan tâm việc giám sát các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng sau khi được phê duyệt…
Theo Phó Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Quốc Mạnh: “Sản xuất sầu riêng của nước ta có nhiều thuận lợi do mùa vụ sản xuất kéo dài quanh năm; giống chủ lực trong sản xuất là Ri6 và Monthon được thị trường chấp nhận; chi phí sản xuất không quá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều dư địa cho sản phẩm chế biến từ sầu riêng…
Mặc dù vậy, việc sản xuất và tiêu thụ sầu riêng của nước ta cũng còn nhiều khó khăn, thách thức bởi thị trường tiêu thụ hẹp khi chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc; sự cạnh tranh từ các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia, Lào và Campuchia; tổ chức chuỗi ngành hàng còn rời rạc, thiếu chuyên nghiệp”.
Bên cạnh đó, sản xuất sầu riêng cũng gặp những tồn tại như: Chưa có quy trình chuẩn cho toàn bộ chuỗi sản xuất từ giống tới sau thu hoạch; ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu đối với cây trồng này; việc liên kết sản xuất chưa bền vững và chưa hình thành được vùng nguyên liệu gắn với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu; thiếu các tiêu chuẩn về xác định độ chín ảnh hưởng tới chất lượng sầu riêng; tình trạng mua sầu riêng non, tranh mua tranh bán, hủy cọc, bẻ kèo... vẫn xảy ra ảnh hưởng đến tính bền vững của thị trường.
Tại hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho rằng, những năm qua, sầu riêng đóng vai trò quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, tăng thu nhập cho người dân. Mặc dù vậy, việc gia tăng xuất khẩu, giá cao đang tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch loại cây trồng này.
Vì vậy, các địa phương cần rà soát lại những vùng trồng, xem những nơi nào phù hợp để tiếp tục phát triển cây trồng này. Đồng thời, giảm thiểu tình trạng phát triển tự phát, nhất là tại các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, vùng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô; tăng cường vai trò, trách nhiệm, nhận thức của các cơ quan, đơn vị liên quan, doanh nghiệp và người sản xuất để thực hiện nghiêm các quy trình canh tác, thu hái; quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sầu riêng xuất khẩu bảo đảm yêu cầu của thị trường; thực hiện tốt việc cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; khuyến khích người dân, doanh nghiệp liên kết xây dựng chuỗi cung ứng sầu riêng ổn định, mang lại hiệu quả lâu dài.
Theo Cục Trồng trọt, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất theo vùng tập trung gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến với quy mô phù hợp; tập trung áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh như: Tưới nước tiết kiệm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa trái vụ; nâng cao chất lượng sầu riêng quả tươi và sản phẩm chế biến, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Cùng với đó, cần xây dựng chương trình khuyến nông cho cây sầu riêng, trong đó ưu tiên áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác, thu hoạch bảo đảm năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm…
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nhieu-he-luy-khi-tang-nong-dien-tich-sau-rieng-post810051.html