Thủ tướng: Hiến tạng là kết tinh của nghĩa cử tương thân tương ái

Chủ nhật, 19.05.2024 | 14:42:13
514 lượt xem

Trải qua 32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên đến nay, ngành y tế nước ta đã thực hiện trên 8.000 ca ghép tạng, làm chủ các công nghệ ghép tạng ngang tầm các nước phát triển trên thế giới.

Hiến tạng: Nghĩa cử kết tinh của tinh thần tương thân, tương ái

Sáng 19/5, Lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" đã diễn ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát động chương trình. Hoạt động do Bộ Y tế, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thực hiện, nhằm truyền tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người.

Thủ tướng: Hiến tạng là kết tinh của nghĩa cử tương thân tương ái - 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát động chương trình (Ảnh: T.H.).

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng khẳng định, đoàn kết tương thân tương ái, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ người khác là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ gìn giữ, vun đắp phát huy từ ngàn đời nay.

"Đây là một sự kiện quan trọng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, kết tinh hơn 4.000 năm văn hiến. Sự kiện càng đặc biệt hơn khi tổ chức đúng vào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Thủ tướng nói.

Câu ca dao tục ngữ "Thương người như thể thương thân" đã được trao truyền bao đời nay, ngấm vào trái tim, xác thịt của những người con đất Việt qua lời ru, lời căn dặn của người bà, người mẹ.

Theo Thủ tướng, ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới, chúng ta rất tự hào mặc dù đi sau nhưng đến nay trình độ ghép tạng của nước ta ngang bằng với các nước phát triển.

Trong những năm qua, ghép tạng đạt những bước phát triển vượt bậc nhờ ba yếu tố:

- Chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.

- Sự nỗ lực của các nhân viên y tế.

- Tấm lòng, sự hy sinh của người hiến tạng và gia đình.

"Để có được thành tựu quan trọng đó không thể nào quên những tấm lòng vàng, nghĩa cử cao đẹp của những người đã hiến tặng mô tạng - một phần vô giá của mình/người thân để thắp lên sự sống mới", Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng: Hiến tạng là kết tinh của nghĩa cử tương thân tương ái - 2

Các đại biểu đăng ký hiến tạng sau khi chết/chết não tại chương trình (Ảnh: T.H.).

"Tôi kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành không phân biệt tuổi tác giới tính, vùng miền... đăng ký hiến tạng, trên tinh thần gieo mầm sự sống, tiếp nối hy vọng. Đó là nghĩa cử cao đẹp nhất, cho đi sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết/chết não, lan tỏa nghĩa cử cao đẹp.

Bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực ghép tạng

Theo bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, việc cấy ghép mô tạng cứu được nhiều mạng sống và phục hồi các chức năng thiết yếu mà không có biện pháp thay thế nào tương đương.

Trải qua 32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên đến nay, ngành y tế nước ta đã thực hiện trên 8.000 ca ghép tạng, làm chủ các công nghệ ghép tạng ngang tầm các nước phát triển trên thế giới. Từ đó, đem đến cơ hội sống mới cho hàng nghìn người bệnh, đặc biệt với các hoàn cảnh khó khăn.

Thủ tướng: Hiến tạng là kết tinh của nghĩa cử tương thân tương ái - 3

Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại chương trình (Ảnh: T.H.).

Trong hai năm gần đây (2022 và 2023), Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực ghép tạng. Với hơn 1.000 ca ghép mỗi năm bao gồm ghép thận, gan, tim, phổi..., Việt Nam hiện là nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất khu vực Đông Nam Á.

"Đây là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển vượt bậc của ngành y tế nước nhà, đồng thời khẳng định năng lực và trình độ chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Tỷ lệ người chết/chết não hiến tạng tại Việt Nam rất thấp

Bộ trưởng Bộ Y tế nêu thách thức, mặc dù đạt được nhiều thành tựu, số lượng ca ghép tạng hàng năm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh.

Hiện nay, hơn 94% số tạng ghép ở Việt Nam đến từ nguồn hiến sống, trong khi các nước phát triển có từ 50 đến 90% nguồn hiến tạng đến từ người hiến chết/chết não.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, hiện nay Việt Nam chỉ có hơn 86.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086% dân số. Tỷ lệ này còn rất thấp so với các nước trên thế giới.

Một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc có tỷ lệ tạng hiến từ người chết/chết não rất cao, 40-80%. Đây là những nước có nền văn hóa và tín ngưỡng tương đồng với Việt Nam, cho thấy tiềm năng to lớn để tăng cường nguồn hiến tạng từ người chết/chết não tại Việt Nam.

Nỗ lực tăng cường nguồn tạng hiến

Nhờ những nỗ lực không ngừng, tỷ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 đã tăng 15% so với năm 2022. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm, số người chết não hiến mô tạng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Đây là những con số ấn tượng cho thấy sự tiến bộ và quyết tâm của ngành y tế Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Chính phủ, Bộ Y tế cùng các tổ chức liên quan đang nỗ lực vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết, chết não.

Theo bà Đào Hồng Lan, thực tế, trong những năm qua, chúng ta đã có rất nhiều tiến bộ để tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não. 

Trước năm 2023, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng. Hiện nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 109 đơn vị, trong đó đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc với 68 bệnh viện.

Một người chết não có thể cứu sống được 8 người khác, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhiều người. Đây là nghĩa cử cao đẹp cần được lan tỏa mạnh mẽ.

Thủ tướng: Hiến tạng là kết tinh của nghĩa cử tương thân tương ái - 4

Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu tại chương trình (Ảnh: T.H.).

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiến mô tạng thể hiện tinh thần từ bi, bác ái của đạo phật. Đây là quyết định cho đi đầy trí tuệ và nhân ái. Mỗi người muốn cho cuộc sống hiện sinh trong cuộc đời này ý nghĩa, có quả báo phúc đức tốt đẹp nên thực hành đem lại lợi ích cho số đông.

"Trong thực hành đạo phật, đăng ký hiến mô tạng là cơ hội để mọi người thực hành giáo lý vô ngã của đạo phật. Hiến mô tạng là sự bố thí cao cả, cuối cùng mà một người có thể thực hiện. Việc hiến mô tạng đem lại phước báu, quả lành từ hành động cao thượng của người cho đi", Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/thu-tuong-hien-tang-la-ket-tinh-cua-nghia-cu-tuong-than-tuong-ai-20240519103124902.htm

  • Từ khóa