Phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

Chủ nhật, 19.05.2024 | 14:41:49
501 lượt xem

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sáng 19/5, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ vùng đất, vùng biển ven bờ của thành phố Đà Nẵng và 13 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Ngọc Hiếu)

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, năng động, hướng tới bền vững, mạnh về kinh tế biển, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt mức trung bình cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển hiện đại. Phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Về phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ nguồn lực, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được chia làm 3 tiểu vùng.

Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, được định hướng trở thành khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ, đô thị biển của vùng và cả nước, trong đó: thành phố Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa của tiểu vùng; Thanh Hóa là một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc.

Tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, sẽ là vùng động lực của vùng và là khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ cao cấp, đô thị biển; một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ của đất nước; khu vực tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế

Tiểu vùng Nam Trung Bộ, gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, được xác định là trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước.

Phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - 2

Nhiều dự án trọng điểm được đầu tư xây dựng nhằm phát triển, liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với các khu vực khác của đất nước (Ảnh: Vi Thảo).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết Chương trình hành động  theo Nghị quyết số 168 của Chính phủ đề ra 17 chỉ tiêu phát triển, 34 nhiệm vụ và 11 dự án, nhóm dự án quan trọng của vùng cần thực hiện đến năm 2030. Đến nay, đã hoàn thành 3/34 nhiệm vụ, phê duyệt quy hoạch của 14/14 tỉnh, thành trong vùng.

Các nhiệm vụ còn lại là những đề án lớn đang được các bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai theo tiến độ.

Về 11 dự án, nhóm dự án quan trọng, liên kết vùng, đã hoàn thành 3 cảng hàng không và 1 cảng biển; dự kiến năm 2025 hoàn thành 1 tuyến cao tốc và đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai đầu tư 7 dự án còn lại trong thời gian tới.

Dự án cao tốc bắc - nam phía đông đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực ngân sách trung ương để sớm hoàn thành, đảm bảo thông toàn tuyến, kết nối toàn bộ các địa phương trong vùng.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, tuyến đường kết nối đông - tây đã được tập trung nguồn lực để thực hiện theo đúng tiến độ.

Phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - 3

Cầu vượt cửa biển Thuận An (Thừa Thiên Huế), cây cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung được xây dựng nhằm phát triển kinh tế biển (Ảnh: Vi Thảo).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của vùng đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước.

Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 15,06% GDP cả nước, tỷ trọng này đang có xu hướng tăng qua các năm; GRDP bình quân đầu người đạt 75,62 triệu đồng/người.

Các hoạt động liên kết cấp tiểu vùng Bắc Trung bộ, tiểu vùng Trung Trung bộ và tiểu vùng Nam Trung bộ được chính quyền các địa phương tích cực triển khai thực hiện, đã tổ chức ký kết hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng.

Tháng 11/2023, Chủ tịch Hội đồng vùng đã ban hành quyết định giao 23 nhiệm vụ cụ thể cho các Thành viên Hội đồng vùng. Đến nay, Hội đồng điều phối vùng đã hoàn thành được 12/23 nhiệm vụ, chiếm 52% số nhiệm vụ được giao.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/phe-duyet-quy-hoach-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-mien-trung-20240519111859706.htm

  • Từ khóa