Chuyện làm mẹ kiên cường của những người phụ nữ hiếm muộn

Thứ 2, 20.05.2024 | 08:54:39
592 lượt xem

Trải qua 9 năm với 12 lần chuyển phôi, 3 lần chọc trứng, 2 lần đẻ non lúc 24 tuần, 3 lần khâu eo buồng tử cung, 1 lần mổ polyp... chị Nguyễn Thị Trang (Ninh Bình) đã trải qua những ngày tháng "có lúc đau khổ đến tột cùng" trên hành trình làm mẹ.

Những người mẹ vĩ đại trên hành trình "săn con"

Trang đã trải qua tất cả những gian nan, đau đớn, hy vọng rồi thất vọng đến kiệt quệ cả về sức khỏe lẫn tài chính suốt 9 năm qua. Nhưng mong muốn có con không ngừng thôi thúc anh chị phải đi đến cùng hành trình này.

Chồng Trang - anh Phạm Anh Tuấn là bộ đội gần nhà, tuần anh được về nhà 1-2 lần. Sau khi cưới nhau, chị Trang ở nhà chăm sóc mẹ chồng đã cao tuổi, sức khỏe yếu. "Nhà chỉ có hai mẹ con, nên bà nội rất mong ngóng cháu", Trang kể.

Không nói ra, nhưng ai cũng hiểu áp lực của một người phụ nữ khi không thể có con một cách bình thường như bao người phụ nữ khác vì căn bệnh buồng trứng đa nang. Còn chồng chị, tinh trùng yếu không phải là lý do chính dẫn tới vô sinh, nên cũng nhiều khi suy tư, nản vì lời ra, bàn vào của dư luận. Anh cũng thương mẹ già lúc nào cũng mong ngóng có cháu nội.

Dồn hết kinh tế gia đình, anh chị đã có 5 lần chuyển phôi đầu tiên ở những cơ sở y tế sản khoa lớn với nhiều hy vọng. Thế nhưng, nỗi đau chồng chất nỗi đau khi Trang còn mắc thêm căn bệnh hở eo cổ tử cung. Hai lần mang thai đến tuần 22, cơ địa cô không thể giữ nổi con. Những can thiệp phẫu thuật khâu eo cổ tử cung để giữ thai đều thất bại.

"Năm 2020, 2021 tôi hai lần mang song thai ở tuần 22. Bệnh viện siết chặt người ra vào vì Covid-19, đau đớn thể xác, sa sút tinh thần vì mất con, không có người thân bên cạnh, thật sự đó là những đau đớn tột cùng mà tôi không hiểu vì sao mình phải đối mặt", Trang rơm rớm nước mắt nhớ lại.

Chuyện làm mẹ kiên cường của những người phụ nữ hiếm muộn ảnh 1

Gia đình chị Nguyễn Thị Trang, anh Phạm Anh Tuấn (Ninh Bình) hạnh phúc sau 9 năm ròng rã can thiệp hiếm muộn.

Rồi cơ duyên đưa đẩy Trang đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Nhìn hồ sơ đăng ký của cô, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền không chần chừ, quyết định tài trợ toàn bộ quá trình thụ tinh ống nghiệm cho gia đình. "Nếu không có hành trình này, chắc nhà mình phải chờ 5 năm nữa mới đủ kinh tế để làm", Trang gieo niềm hy vọng với chồng.

Nhưng hành trình săn con lại lần nữa thách thức cặp vợ chồng trẻ. Sau lần chuyển phôi ban đầu miễn phí, cô không thành công. Đến 3 lần chuyển phôi còn lại, Trang vẫn thất bại, có thời gian nằm viện tới 5 tháng, cô nghĩ mình không có khả năng có thai nữa. Bác sĩ Hiền động viên "Em cố gắng thêm 1-2 lần nữa". Trang về nghĩ đến chuyện đổi tay bác sĩ, nhưng cô hiểu, không phải do quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, mà do cơ địa không giữ được thai của mình.

Và ở lần chuyển phôi thứ 7, Trang đậu thai. Lần này, số phận run rủi đã thành toàn cho vợ chồng cô những điều thuận lợi. Cũng trải qua khâu eo cổ tử cung, nhưng Trang đã giữ được thai đến tuần 38, hạ sinh bé gái kháu khỉnh nặng 3,1kg. "Có lẽ ông trời thương, nên cuối cùng hành trình thai kỳ lại thuận lợi. Hạnh phúc hôm nay, quả thật đã làm tan biến mọi đau đớn tột cùng mà tôi đã phải trải qua", Trang ôm chồng kể.

Câu chuyện tìm con của gia đình chị Cao Thị Hằng (1983) và anh Phùng Văn Dũng (1978) hiện đang sinh sống ở Hà Nội cũng truyền động lực mạnh mẽ cho các gia đình đang trên hành trình tìm con.

Sau khi có con đầu lòng bằng IVF, 5 năm sau, anh chị tiếp tục hành trình IVF lần 2 với mong muốn đón được thêm con yêu về nhà. Nhưng hành trình tìm con lần thứ 2 khiến chị phải trải qua những ngày tháng tuyệt vọng với gần 20 lần chuyển phôi đều thất bại mà không tìm ra nguyên nhân.

Quá nhiều đau đớn, hai vợ chồng tưởng chừng như sẽ gục ngã và từ bỏ hành trình này nhưng đến năm 2021, vợ chồng chị Hằng chuyển ra Hà Nội sinh sống và được bạn bè giới thiệu đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại đây, anh chị được bác sĩ Hiền thăm khám, động viên tâm lý, tiếp thêm niềm tin động lực trên hành trình tìm con.

Sau khi nghe tiền sử sản khoa nặng nề, chuyển phôi thất bại nhiều lần bác sĩ Hiền tư vấn anh chị chọc trứng tạo phôi, nuôi và theo dõi phôi bằng hệ thống tự động kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) Timelapse.

Chuyện làm mẹ kiên cường của những người phụ nữ hiếm muộn ảnh 2
Chị Cao Thị Hằng hạnh phúc chia sẻ về hành trình tìm con.

Từ đó, các bác sĩ và chuyên viên phôi học nhận thấy những bất thường của một số phôi. Việc theo dõi và cập nhật liên tục, không bị gián đoạn hình ảnh phôi trong quá trình hình thành và phát triển giúp cho các chuyên viên phôi học đánh giá chính xác chất lượng phôi và lựa chọn những phôi tốt nhất để chuyển vào buồng tử cung.

Cuối cùng điều kỳ diệu đã tới ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên của chị Hằng tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, hai vợ chồng chị đã rơi nước mắt khi nhìn vào tờ giấy thông báo kết quả beta có thai khi ấy. Cả quá trình mang thai diễn ra thuận lợi, chị Hằng hạ sinh một bé gái vào đầu năm 2023, hiện nay bé đã hơn 1 tuổi rất kháu khỉnh và đáng yêu.

Chuyện làm mẹ kiên cường của những người phụ nữ hiếm muộn ảnh 3

Chương trình thu hút rất đông các gia đình quan tâm tìm hiểu thông tin về hiếm muộn.

Thắp sáng hành trình tìm kiếm trẻ thơ

Như mọi năm, lễ Tổng kết chương trình Tuần Lễ Vàng 2024 và Kỷ niệm 15 năm thành lập Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (2009-2024) với chủ đề: "Thắp sáng ước mơ gia đình hiếm muộn” diễn ra sáng ngày 19/5 tại Hà Nội thu hút hàng nghìn người. Trong đó, có không ít người bế bồng con hạnh phúc vì nhờ chương trình đã hái được quả ngọt, nhưng phần lớn là những ông bố, bà mẹ hiếm muộn đang mong ngóng từng ngày đứa con thơ.

Xuyên suốt chặng đường 10 năm, “Tuần lễ Vàng” của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã giúp niềm khát khao có con yêu của hàng nghìn gia đình trở thành hiện thực thông qua những ưu đãi thăm khám, những gói hỗ trợ miễn phí, góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho các gia đình hiếm muộn có thu nhập thấp, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Đây hành trình nhân văn, một dấu ấn riêng của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (AF HANOI) trong cộng đồng hiếm muộn trên khắp cả nước.

Chuyện làm mẹ kiên cường của những người phụ nữ hiếm muộn ảnh 4

15 gia đình may mắn nhận gói hỗ trợ Ươm mầm.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện cho biết, qua quá trình thăm khám gần đây ở bệnh viện cho thấy số lượng bệnh nhân thăm khám đông hơn, tỷ lệ bệnh nhân trẻ hơn và các bệnh lý có xu hướng phức tạp hơn, có nhiều mặt bệnh khó. Bởi vậy, đặt ra nhiều thách thức với các gia đình trẻ trong việc "săn con".

Bệnh viện nỗ lực cập nhật kiến thức, tổ chức khoa học để học tập kiến thức mới trên thế giới, hỗ trợ cho rất nhiều gia đình hiếm muộn, kể cả những trường hợp vô sinh được tiên lượng khó điều trị trước đó: Phương pháp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - Micro TESE, kỹ thuật nội soi thăm dò buồng tử cung, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) kết hợp xét nghiệm sàng lọc phôi tiền làm tổ (PGT), hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động tích hợp trí tuệ nhân tạo AI (Timelapse)....

Đặc biệt, năm 2023-2024, bệnh viện đẩy mạnh chẩn đoán bệnh lý di truyền, nhất là bất thường các bệnh lý đơn gene, gây ra bệnh lý phức tạp di truyền sang thế hệ sau, thực hiện xét nghiệm trên phôi, loại trừ phôi bị bệnh để gia đình sinh những em bé khỏe mạnh.

Chuyện làm mẹ kiên cường của những người phụ nữ hiếm muộn ảnh 5

Khoảnh khắc xúc động của nhiều gia đình tại chương trình.

Hỗ trợ các gia đình, phần nào xóa nhòa mặc cảm về mặt kinh tế, để những người cha-mẹ chưa có điều kiện về kinh tế vẫn có thể được can thiệp để sinh con khỏe mạnh là tâm sức suốt 10 năm qua của bệnh viện thông qua chương trình Tuần lễ Vàng. Những em bé có mặt ở buổi lễ là biểu tượng cho "quả ngọt" được trợ duyên từ rất nhiều phía, lan tỏa thêm niềm tin và động lực cho nhiều gia đình vẫn hiếm muộn, gian nan trên hành trình tìm con thơ.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chuyen-lam-me-kien-cuong-cua-nhung-nguoi-phu-nu-hiem-muon-post810076.html

  • Từ khóa