Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

Thứ 5, 23.05.2024 | 08:52:45
437 lượt xem

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, diện tích lúa liên kết được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước sản xuất đạt 40,28%. Có 12,1% tổng sản lượng lúa được nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu; 37,5% là thông qua hợp tác xã để phân phối lại cho doanh nghiệp; trong khi có tới 49,5% qua thương lái.

Thu hoạch lúa tại huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.

Cục trưởng Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh cho biết: Về vấn đề liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo, hiện đã có Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Do đó, thời gian qua, liên kết chuỗi giá trị có cải thiện theo hướng đa dạng mô hình và nhiều mô hình bền vững hơn. Tuy nhiên, quy mô diện tích, sản lượng, số hộ nông dân tham gia liên kết còn ít; chưa nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện liên kết; nhiều liên kết thiếu bền vững như thay đổi đối tác, không thực hiện đúng hợp đồng hoặc thực hiện đứt quãng năm có năm không... Thực tế hiện nay cũng mới chỉ có một vài doanh nghiệp lớn thực hiện theo chuỗi liên kết từ sản xuất, thu hoạch đến bảo quản, chế biến; còn phần lớn vẫn chỉ dưới hình thức mua- bán kém bền vững. Trong khi đó, với xu hướng phát triển sản xuất lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là sử dụng giống chất lượng cao, giống xác nhận; áp dụng quy trình canh tác tiên tiến; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; áp dụng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc..., thì hơn lúc nào hết, vấn đề liên kết chuỗi giá trị càng cần được thúc đẩy.

Tuy nhiên, tại các địa phương hiện nay, do số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu lúa gạo có nhà máy quy mô công suất chế biến lớn còn rất ít, cho nên thời gian qua, việc mua-bán lúa qua hệ thống thương lái rất phổ biến tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, sản lượng lúa trên địa bàn toàn tỉnh là 2,1 triệu tấn/năm và trong tổng số 147.681 ha canh tác lúa thì chỉ có 17% diện tích có liên kết theo chuỗi, còn lại chủ yếu qua thương lái. Tại Sóc Trăng, thương lái chính là mắt xích quan trọng giải quyết nhiều vấn đề đa dạng trong mua bán lúa gạo, như: Linh hoạt, nhạy bén, nhanh chóng trong việc định giá và thỏa thuận giá; Linh hoạt, hiệu quả trong điều chuyển phương tiện chuyên chở phù hợp điều kiện cụ thể; chia sẻ áp lực về nguồn vốn lưu động với doanh nghiệp thu mua chế biến; hình thức thanh toán linh hoạt đáp ứng yêu cầu của nông dân; phát hiện và phản ánh tích cực với chính quyền địa phương về những vướng mắc của hạ tầng giao thông đường thủy, đường bộ phục vụ lưu thông hàng hóa nông sản.

Trước thực tế đó, muốn hình thành chuỗi giá trị lúa gạo bền vững thì cần thiết phải lưu ý đến vai trò của thương lái; đưa thương lái tham gia chính thức vào chuỗi liên kết từng địa phương. Chuỗi liên kết sẽ bao gồm: Doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đầu mối, hệ thống thương lái của doanh nghiệp hoạt động mua bán trên địa bàn, hệ thống môi giới trung gian, tổ khuyến nông cộng đồng, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương.

Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn Trần Minh Hải cho rằng: Để liên kết có lợi ích nhiều chiều khi đưa thương lái vào chuỗi lúa gạo bền vững, thì thương lái cần có "giấy chứng nhận hành nghề", được đăng ký hành nghề và cần được xem là đối tác đồng hành với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện để cùng trao đổi kinh nghiệm, tập huấn về kỹ thuật bảo quản, vận chuyển, chế biến, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, giảm tình trạng "bẻ kèo", nói không với những hành vi thiếu lành mạnh như mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả.

Tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp; Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa thương lái vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/xay-dung-chuoi-gia-tri-lua-gao-ben-vung-post810690.html

  • Từ khóa