Xuất khẩu dệt may khởi sắc

Thứ 6, 21.06.2024 | 09:03:16
386 lượt xem

5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước, trong đó điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Lãnh đạo Vinatex thông tin với báo chí về hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm.

Thông tin trên được Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí chiều 20/6 về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm của Tập đoàn và phong trào công nhân, chăm lo đời sống người lao động ngành dệt may.

Theo thống kê của Vinatex, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước, trong đó điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Cụ thể, trong 5 tháng qua, xuất khẩu dệt may Trung Quốc giảm 2%, đạt 66 tỷ USD; Bangladesh chỉ tăng 3,9%, đạt 21,7 tỷ USD (Bangladesh tháng 5/2024 suy giảm mạnh 16%). Sự khởi sắc xuất khẩu dệt may Việt Nam 5 tháng đầu năm không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam, kết hợp với lợi thế tỷ giá khi Việt Nam đồng (VND) mất giá 5% so với đồng đô la Mỹ (USD) kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD.

Xuất khẩu dệt may khởi sắc ảnh 1

Sản xuất hàng dệt may tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội.

Cũng theo ông Cao Hữu Hiếu, trước bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex đã có nhiều cải thiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết, tuy nhiên đơn giá vẫn thấp hơn 20%, thậm chí là 50% so với thời điểm năm 2019 - năm trước dịch Covid-19.

Với ngành sợi, đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường chính như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc,… đã tiệm cận mức hòa vốn, nếu tiết giảm được các chi phí trong sản xuất có thể đạt lợi nhuận. “Trước tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã phải linh hoạt chuyển đổi sang các mặt hàng sợi pha, sợi recycle vốn không phải là thế mạnh để tìm hướng đi mới tại các thị trường ngách bên cạnh sợi cotton truyền thống” – ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo của Vinatex cũng cho rằng, để ứng phó với những khó khăn, diễn biến bất định của thị trường nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, Tập đoàn đã tích cực triển khai các biện pháp đồng bộ, linh hoạt; Các đơn vị trong hệ thống đã đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các thị trường mới nhằm cân bằng, giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống; dựa trên các khuyến nghị của các ban sản xuất kinh doanh và đề xuất từ doanh nghiệp, Tập đoàn đã liên tục thực hiện đầu tư chiều sâu, nâng cấp để bảo đảm mức độ tự động hóa, tối ưu để khai thác hiệu quả hệ thống năng lực sản xuất kinh doanh hiện có, đồng thời hình thành các hướng đầu tư mới để bảo đảm cân bằng và kết nối hữu cơ hệ thống sản xuất trong từng đơn vị và các đơn vị trong Tập đoàn.

“Tập đoàn tiếp tục áp dụng quản trị số trên toàn hệ thống, bước đầu sử dụng App quản trị sợi cho tất cả các đơn vị sợi trong toàn hệ thống, giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong tổ chức sản xuất, đáp ứng được các yêu cầu thay đổi liên tục của khách hàng, tối ưu hóa khi sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ, giao hàng nhanh; đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, các đối tác nắm giữ công nghệ, tập trung vào các sản phẩm đặc thù, chuyên biệt, đòi hỏi kỹ thuật cao để tạo dựng những sản phẩm cốt lõi của Tập đoàn. Ngoài ra, có chính sách sử dụng sản phẩm lẫn nhau của các đơn vị trong Tập đoàn, đặc biệt hình thành chuỗi sản xuất khép kín đối với một số sản phẩm đặc thù mới như vải chống cháy, khăn…, làm nền móng cho liên kết chuỗi toàn hệ thống sau này” – ông Cao Hữu Hiếu khẳng định.

Xuất khẩu dệt may khởi sắc ảnh 3

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10.

Thông tin về lực lượng lao động của ngành, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, trong 6 tháng vừa qua và nhiệm kỳ mới, phía Công đoàn ngành đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nâng cao kỹ năng trình độ cho tổ trưởng sản xuất, kỹ năng mềm cho công nhân và tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.

Công đoàn cũng phối hợp với chính quyền ngành dệt may, tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, chống cháy nổ, giảm thiểu nguy cơ không đáng có xảy ra trong sản xuất,… Bên cạnh đó, Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng tập trung hỗ trợ cho các công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, giúp con em mua phương tiện, thiết bị học tập, giúp người lao động yên tâm công tác, gắn bó với nghề, nuôi dưỡng tinh thần lao động sản xuất, đóng góp nhiều hơn cho ngành dệt may.

“Điểm sáng trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 của Vinatex là ổn định lực lượng lao động với hơn 63 nghìn lao động cấp 1, nếu xét tới lao động cấp 2 là hơn 155 nghìn lao động. Thu nhập bình quân của người lao động trong 6 tháng đầu năm ước đạt 9,74 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7% so với năm 2023). Tổng số đoàn viên, người lao động được thụ hưởng từ các chương trình chăm lo đời sống, chương trình phúc lợi hơn 62 nghìn người, với giá trị hơn 6,5 tỷ đồng,…” – bà Phạm Thị Thanh Tâm nhấn mạnh.

Đánh giá về thị trường những tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền từ 15%-20% để hỗ trợ xuất khẩu, giành lại thị phần, do đó các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp của 2 năm qua chưa cải thiện.

Mặt khác, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng,… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trước mắt, Vinatex sẽ tiếp tục linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ,… nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh,...

“Để về đích năm 2024 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.900 tỷ đồng, bằng 101,63% so với năm 2023, lợi nhuận hợp nhất đạt 550 tỷ đồng, bằng 102,13% so với năm 2023, Vinatex linh hoạt, sáng tạo thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm bám sát các định hướng phát triển của Tập đoàn trong trung và dài hạn; Thẳng thắn nhìn nhận vị thế trong chuỗi cung ứng; Minh bạch các khó khăn và cơ hội phát triển; Phân tích kỹ lưỡng thông tin thị trường và đối thủ cạnh tranh để chỉ đạo, điều hành; Đổi mới, sáng tạo và linh hoạt sản xuất để nắm bắt cơ hội và thích ứng thị trường” - ông Cao Hữu Hiếu khẳng định.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/xuat-khau-det-may-khoi-sac-post815364.html

  • Từ khóa