Hướng đến mục tiêu bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý

Thứ 4, 26.06.2024 | 14:52:02
483 lượt xem

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó, dự thảo Luật Dược đã đề xuất những chính sách mang tính vượt trội nhằm phát triển ngành dược nước ta, từ đó hướng đến mục tiêu bao trùm là bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý.

Ảnh: nhandan.vn.

Ngày 25/6, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Những điểm mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược”.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dược nhằm bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu về thuốc chữa bệnh cho người dân.

Trong đó, Luật Dược được Quốc hội ban hành năm 2016 (thay thế cho Luật Dược năm 2005) đã điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; đồng thời tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong ngành.

Hướng đến mục tiêu bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý ảnh 1

Quang cảnh tọa đàm.

Sau hơn 7 năm thi hành Luật Dược, ngành dược đã đạt được một số thành tựu nổi bật. Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết, về tổng trị giá sử dụng thuốc của Việt Nam, tại thời điểm 2016 xấp xỉ 3,4 tỷ USD, năm 2023 tăng lên xấp xỉ 7 tỷ USD, cho thấy ngành dược đã đáp ứng yêu cầu. Tiền thuốc bình quân đầu người trong năm 2016 đạt 22 USD/người, đến năm 2023 tăng lên 75 USD/người. Mặc dù so với thế giới còn rất khiêm tốn, song cũng thể hiện sự đóng góp của ngành dược trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Về các hệ thống sản xuất dược phẩm, năm 2016 có 168 nhà máy, đã tăng lên 238 nhà máy vào 2023, tương ứng tăng trên 40% với đầy đủ dây chuyền sản xuất. Hiện ngành dược đã thu hút 44 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Về tổng trị giá sử dụng thuốc của Việt Nam, tại thời điểm 2016 xấp xỉ 3,4 tỷ USD, năm 2023 tăng lên xấp xỉ 7 tỷ USD, cho thấy ngành dược đã đáp ứng yêu cầu. Tiền thuốc bình quân đầu người trong năm 2016 đạt 22 USD/người, đến năm 2023 tăng lên 75 USD/người.

Về sản xuất vaccine, hiện Việt Nam đã sản xuất được 10/11 vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và 4 vaccine phục vụ tiêm dịch vụ. Nhờ đó, Việt Nam là một trong ít quốc gia đáp ứng chủ động, tự lực nguồn vaccine sản xuất trong nước. Đó là những con số biết nói để thấy Luật đã tạo nền tảng cho ngành dược phát triển.

Ngoài hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối có sự phát triển mạnh. Số doanh nghiệp kinh doanh bán buôn thuốc đã tăng từ 3.100 doanh nghiệp vào năm 2016 hiện đã lên tới hơn 5.100 doanh nghiệp. Hệ thống bán lẻ tăng từ 39.000 cơ sở lên hơn 67.000 cơ sở vào năm 2023… Số người bệnh được phục vụ bởi một nhà thuốc đã giảm từ 2.200 người/nhà thuốc vào năm 2016 xuống còn 1.564 người hiện nay. Đây là số liệu tích cực so với số liệu chung của quốc tế.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số bất cập. Bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, cho biết, sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật, thực tiễn cho thấy một số nội dung của Luật Dược năm 2016 không còn phù hợp với yêu cầu quản lý; gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc.

Cụ thể, thiếu các chính sách phù hợp để tạo thuận lợi thúc đẩy các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (thí dụ hợp tác đầu tư với nước ngoài sản xuất gia công, chuyển giao công nghệ; chính sách đầu ra cho các sản phẩm hợp tác này; chính sách thuế đối với nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc;…); chưa có chính sách ưu đãi khuyến khích, tạo thuận lợi đối với xuất khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép lưu hành thuốc, đặc biệt là gia hạn giấy đăng ký lưu hành còn chậm, ảnh hưởng đến việc bảo đảm tính kịp thời của chuỗi cung ứng. Các quy định về xuất nhập khẩu thuốc chưa đáp ứng yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu: “Xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, có giá trị thị trường trong tốp 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý”.

Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đã trình và được Quốc hội nhất trí sửa đổi Luật Dược năm 2016. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đang diễn ra. Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10 tới đây.

Ngày 18/6 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội tờ trình về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Trong đó, dự thảo Luật đã đề xuất những chính sách mang tính vượt trội nhằm phát triển ngành dược nước ta, từ đó hướng đến mục tiêu bao trùm là bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý.

Nội dung tọa đàm tập trung vào hai nội dung chính: Ngành công nghiệp dược Việt Nam - thành quả và thách thức; Các chính sách đột phá để thúc đẩy ngành dược phát triển trong bối cảnh mới.

Tại chương trình, các đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến lĩnh vực dược cũng như giải quyết các hạn chế của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến các chính sách phát triển ngành dược, các đại biểu ghi nhận, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư và chính sách ưu tiên về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành thuốc.

Theo các đại biểu, muốn thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất thuốc, nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học thì phải có các cơ chế, chính sách đột phá để mang lại hiệu quả thực sự. Bên cạnh đó, chính sách phát triển ngành công nghiệp dược phải hài hòa giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và bảo đảm sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa, tạo vị thế, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp dược trong nước, sản phẩm dược của Việt Nam trên thị trường.

Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Nguyễn Sỹ Hào chia sẻ, những thông tin tại tọa đàm hôm nay hết sức hữu ích với các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng như với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong quá trình hoạch định chính sách và thực thi các chính sách, giải pháp. Từ đó, thúc đẩy ngành dược phát triển đột phá trong thời gian tới, để hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/huong-den-muc-tieu-bao-dam-nguoi-dan-duoc-tiep-can-thuoc-chat-luong-kip-thoi-gia-hop-ly-post816015.html

  • Từ khóa