Đầu tư hơn 25.500 tỷ đồng xây 128km cao tốc kết nối hai vùng trọng điểm

Thứ 6, 28.06.2024 | 15:04:29
381 lượt xem

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được xây dựng với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm kết nối vùng Tây Nguyên với Đông Nam Bộ. Với chiều dài 128,8km, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Sáng 28/6, 464/469 đại biểu Quốc hội (95,47% tổng số đại biểu Quốc hội) bấm nút tán thành thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Thực hiện từ năm 2024 và vận hành, khai thác vào 2027

Theo quyết nghị của Quốc hội, tuyến cao tốc này được đầu tư khoảng 128,8km, chia thành 5 dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 1 đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Đầu tư hơn 25.500 tỷ đồng xây 128km cao tốc kết nối hai vùng trọng điểm - 1

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành (Ảnh: Hồng Phong).

Theo tính toán, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.111ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 12ha; đất nông nghiệp khác khoảng 1.000ha; đất ở khoảng 12ha; đất rừng sản xuất khoảng 46ha.

Phương án được Quốc hội quyết định là giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 25.540 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 10.500 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng và 12.770 tỷ đồng là vốn do nhà đầu tư thu xếp.

"Dự án thực hiện từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027", theo nghị quyết của Quốc hội.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả.

Sau khi hoàn thành, dự án áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Quốc hội cũng quyết định cho dự án này áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt. Theo đó, Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện Dự án đến hết năm 2026.

Quốc hội cũng cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trong giai đoạn triển khai dự án, Quốc hội cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.

Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2 dự án BOT có thể kéo dài thời gian thu phí 5-6 năm

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về chủ trương đầu tư dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến cho rằng việc đầu tư quy mô 2 làn xe đối với đoạn 2 km đường giao kết nối cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ tạo nút thắt cổ chai trong giao thông, gây ùn ứ, mất an toàn giao thông.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét đầu tư đoạn kết nối theo quy mô 4 làn xe.

Đầu tư hơn 25.500 tỷ đồng xây 128km cao tốc kết nối hai vùng trọng điểm - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Hồng Phong).

Tiếp thu, Chính phủ đã điều chỉnh dự thảo Nghị quyết theo hướng đầu tư đồng bộ toàn Dự án theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh và sử dụng chi phí dự phòng của Dự án bảo đảm không làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án.

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp cụ thể hơn đối với phương án xử lý hai dự án BOT song hành (dự án BOT cầu 38 thị xã Đồng Xoài và dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 tỉnh Đắk Nông), tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và việc khai thác, vận hành về sau của Dự án.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết báo cáo của Chính phủ đã đánh giá sơ bộ, việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ kéo dài thời gian thu phí của 2 dự án BOT trên Quốc lộ 14 khoảng 5-6 năm.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi dự án đưa vào khai thác sử dụng mới đủ cơ sở đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng đến 2 dự án BOT song hành này, từ đó có cơ sở đề xuất các giải pháp phù hợp theo hướng: kéo dài thời gian thu phí của các dự án BOT nhằm bảo đảm hoàn vốn và lợi nhuận theo hợp đồng đã ký, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét các giải pháp phù hợp khác nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính cho Dự án.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/dau-tu-hon-25500-ty-dong-xay-128km-cao-toc-ket-noi-hai-vung-trong-diem-20240628084433732.htm

  • Từ khóa