Tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người thụ hưởng

Thứ 2, 01.07.2024 | 08:41:57
373 lượt xem

Từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng đến 15%; đây là mức tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cao nhất từ trước đến nay. Ðợt điều chỉnh này có phạm vi áp dụng rất rộng, tới hơn 3,3 triệu người, bao gồm người đang hưởng lương hưu từ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (khối nhà nước, tư nhân) và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…

Chi trả lương hưu cho cán bộ hưu trí tại Hà Nội.

Tỷ lệ tăng này đã được các cơ quan quản lý tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa người đang hưởng lương hưu và người đang đóng bảo hiểm xã hội, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách; đồng thời bảo đảm khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn.

Hơn 3,3 triệu người được thụ hưởng quyền lợi

Chính phủ đề xuất từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (căn cứ trên mức hưởng tháng 6/2024); đồng thời, đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Việc điều chỉnh đồng bộ nêu trên cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện những định hướng, mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (ngày 23/5/2018) của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo nghị quyết, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội. Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, toàn quốc có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; năm 2030 con số này là 60%.

Trước thông tin về đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội đã nghỉ hưu, người thụ hưởng hiện rất phấn khởi. Về hưu đã gần 20 năm, ông Nguyễn Văn An (sinh năm 1948, ở Hà Nội), từng công tác trong một cơ quan thuộc Chính phủ cho biết, Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương và theo quan sát của ông thì mỗi kỳ điều chỉnh, mức tăng các nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức và người về hưu là tương đương nhau. Ðiều này đã tạo sự đồng thuận, công bằng cho đối tượng nghỉ hưu trước và sau thời điểm tăng lương và không có sự chênh lệch nhiều. Trước thông tin Chính phủ đề xuất tăng lương hưu 15%, ông An cho rằng mức tăng là hợp lý, bảo đảm tốt an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Ðồng tình với quan điểm nêu trên, ông Trần Trung Thái (Bắc Giang), người đã về hưu từ năm 2011 cho biết, ông không gặp khó khăn về tài chính, nhưng điều ông băn khoăn nhất là bảo đảm sự công bằng cho những người về hưu trước và sau thời điểm 1/7/2024. Cũng theo ông Thái, việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu và đưa ra phương án triển khai kịp thời giúp tăng tính hấp dẫn, bền vững của chính sách.

Ông Thái cũng chia sẻ, mục đích của việc tham gia bảo hiểm xã hội là để bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài, khi hết tuổi lao động. Nên khi nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là gánh nặng với việc bảo đảm an sinh xã hội sau này. Là người thấy rõ lợi ích từ việc hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế khi về già, ông Thái luôn mong muốn người lao động hiểu rõ những khó khăn có thể gặp phải khi tuổi già, quyết định không nên rút bảo hiểm xã hội một lần để không bị mất nhiều quyền lợi…

Có thể thấy, mức tăng lương hưu 15% là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước đối với người lao động khi hết tuổi lao động. Theo Ðiều 57 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định: "Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội".

Như vậy, việc đề xuất điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội 15% là mức tăng cao so với chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,25%. Năm 2024, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng đạt mức hơn 6% và chỉ số giá tiêu dùng là dưới 4%. Mức điều chỉnh tăng lương hưu 15% lần này cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu 23 lần). Ngoài lương hưu hằng tháng, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95%.

Sẵn sàng các nguồn lực để thực hiện điều chỉnh và chi trả

Ngay khi có kết luận của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024, Bảo hiểm xã hội đã chuẩn bị các phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo mức hưởng mới, dự kiến từ ngày 1/7/2024.

Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Nguyên Bồng cho biết, trung tâm đã điều chỉnh phần mềm, triển khai chạy thử bảo đảm sẵn sàng phục vụ công tác chi trả ngay khi quy định về điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng có hiệu lực.

Theo Vụ trưởng Tài chính-Kế toán Nguyễn Ngọc Huyến, hiện đơn vị đã chuẩn bị sẵn các nguồn lực tài chính đáp ứng cho việc điều chỉnh tăng lương hưu dự kiến từ ngày 1/7 tới. Hiện nay, dự thảo văn bản hướng dẫn cơ quan phối hợp chi trả cũng như bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện cơ bản được xây dựng xong nội dung chi tiết, sẵn sàng để tham mưu lãnh đạo ngành ký ban hành.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng lưu ý, toàn ngành phải cố gắng bảo đảm chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo mức hưởng mới kịp thời, chính xác theo đúng văn bản quy định của Chính phủ, Quốc hội; đồng thời yêu cầu các vụ, ban liên quan theo sát và phối hợp chặt chẽ các đơn vị chức năng của các bộ, ngành để bảo đảm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện ngay khi văn bản quy định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng chính thức được ban hành và có hiệu lực. Thời gian thực hiện các nội dung công việc chuẩn bị cho việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo mức hưởng mới diễn ra trong thời gian rất gấp, trong khi số người hưởng lại rất đông, đa dạng. Do đó, các đơn vị phải chủ động xây dựng các phương án tổ chức thực hiện một cách chu đáo, bảo đảm chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội với mức hưởng mới đến người hưởng một cách kịp thời, chính xác và an toàn.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tang-luong-huu-va-tro-cap-bao-hiem-xa-hoi-cho-nguoi-thu-huong-post816943.html

  • Từ khóa