Cục Thi hành án dân sự Hà Nội huy động nhân sự làm việc "hết công suất" để có thể hoàn trả trên 8.600 tỷ đồng cho 6.630 bị hại trong vụ Tân Hoàng Minh, mục tiêu xong trước ngày 30/9.
"Đây là vụ việc chưa có tiền lệ, với số lượng đương sự rất lớn, lại tập trung thời gian ngắn để nhận đơn yêu cầu và tổ chức thi hành án dứt điểm", lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội thông tin với phóng viên báo Dân trí về quá trình tổ chức thi hành án vụ Tân Hoàng Minh.
Theo bản án của tòa, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh phải bồi thường trên 8.643 tỷ đồng cho 6.630 bị hại. Ông Dũng cùng gia đình đã nộp tiền khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại một phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Hải).
Từ giữ tháng 4, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã ra thông báo về việc bố trí khu vực tiếp công dân tập trung từ 200 đến 300 lượt người/ngày để hoàn tiền cho các đương sự.
Việc tiếp nhận hồ sơ thi hành án được thực hiện qua đường bưu điện hoặc hỗ trợ trực tuyến qua website cơ quan này (http://htttthads.moj.gov.vn; email: Donyeucauthm.hni@moj.gov.vn).
Toàn bộ nội dung hướng dẫn và mẫu đơn yêu cầu thi hành án, danh sách 6.630 bị hại cũng được Cục thi hành án dân sự Hà Nội đăng tải đầy đủ trên trang thông tin điện tử.
"Ngay sau khi thống nhất với VKSND TP Hà Nội về nhận đơn yêu cầu thi hành án, từ ngày 20/5 chúng tôi đã bố trí một tổ gồm 10 người có nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận đơn. Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã nhận đơn và ra quyết định thi hành án của 5.300 nhà đầu tư, chi trả tiền cho gần 1.000 trường hợp nhận đơn từ ngày 20/5 đến 24/5", lãnh đạo cơ quan thi hành án cho hay.
Dự kiến, trong tháng 7 sẽ tiếp tục chi trả tiền cho khoảng 1.500 trường hợp nhận đơn từ ngày 27/5 đến 7/6 và lần lượt chi trả các đợt tiếp theo.
Một tổ gồm 10 người của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội có nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án vụ Tân Hoàng Minh (Ảnh: Phạm Văn).
"Việc chi trả tiền cho các bị hại phải tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành. Chúng tôi đã dồn sức, làm ngày đêm để cố gắng hoàn thành việc chi trả tiền cho các bị hại", vị lãnh đạo Cục Thi hành dân sự Hà Nội chia sẻ.
Gần 2 tháng qua, tổ công tác của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội luôn phải có mặt tại cơ quan từ rất sớm (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiếp đón người dân, hướng dẫn thủ tục yêu cầu thi hành án thuận lợi, nhanh chóng nhất.
Mỗi ngày luôn có rất đông bị hại trong vụ Tân Hoàng Minh tới trụ sở Cục Thi hành án dân sự Hà Nội để làm thủ tục thi hành án, nhận lại tiền (Ảnh: Phạm Văn).
"Vất vả nhất là đối chiếu số tài khoản, số chứng minh nhân dân/căn cước để tránh nhầm lẫn. Nhiều công đoạn phải làm thủ công, nhập thông tin trực tiếp trên máy tính như chứng từ kế toán. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị nên 6 chấp hành viên tham gia đang phải giải quyết gần 1.000 hồ sơ/người", vị lãnh đạo Cục Thi hành án nói.
Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đang nỗ lực để hoàn tất việc chi trả trên 8.600 tỷ đồng cho 6.630 bị hại trong vụ Tân Hoàng Minh trước ngày 30/9.
Chủ tịch Tân Hoàng Minh khắc phục toàn bộ hậu quả Như Dân trí thông tin trước đó, bản án xác định để giải quyết khó khăn về tài chính, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng ra chủ trương phát hành 9 lô trái phiếu của 3 công ty thuộc tập đoàn. Hồ sơ phát hành trái phiếu được xây dựng trên các báo cáo tài chính đã "làm đẹp" số liệu, với sự tiếp tay của công ty kiểm toán. Các bị cáo tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh lập hợp đồng giả cách, "chạy" dòng tiền khống, hợp thức cho tập đoàn này trở thành trái chủ sơ cấp của các lô trái phiếu, sau đó bán cho nhà đầu tư để thu về hơn 14.000 tỷ đồng. Phần lớn số tiền được bị cáo Dũng chỉ đạo chi tiêu không đúng phương án phát hành, gây thiệt hại trên 8.600 tỷ đồng của 6.630 nhà đầu tư. Ông Đỗ Anh Dũng cùng gia đình đã nộp hơn 5.600 tỷ đồng, cùng với gần 3.000 tỷ đồng thu hồi được trong quá trình điều tra vụ án, đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả. |
Theo dantri.com.vn