Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề

Thứ 7, 13.07.2024 | 09:04:15
549 lượt xem

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vừa ban hành thể lệ Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite 2024" dành cho học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc.

Nhóm sinh viên Trường cao đẳng Lý Tự Trọng (Thành phố Hồ Chí Minh) trình bày dự án tại Startup Kite 2023.


Cuộc thi Startup Kite 2024 nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh.

Qua đó, tạo sân chơi bổ ích phát huy tinh thần sáng tạo, trải nghiệm thực tế trong việc lập dự án kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào cuộc sống; tìm kiếm, tôn vinh những tác giả, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc.

Theo thể lệ cuộc thi, các dự án khởi nghiệp tham gia dự thi phải là ý tưởng/sản phẩm của chính tác giả/nhóm tác giả và chưa được công bố hay tham gia vào bất kỳ cuộc thi nào có quy mô tương đương.

Mọi học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đều có thể tham dự. Thí sinh có thể đăng ký theo hình thức thi cá nhân, hoặc theo đội. Mỗi thí sinh hoặc đội thí sinh có thể đăng ký nhiều ý tưởng/dự án khởi nghiệp.

Cuộc thi sẽ tổ chức qua các vòng sơ tuyển (cấp trường), dự kiến hoàn thành xong trước ngày 30/8/2024 tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc; hồ sơ dự thi gửi về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trước ngày 10/9 để tham dự vòng bán kết.

Vòng bán kết dự kiến tổ chức trong 5 ngày vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay. Thời gian thi cụ thể của từng thí sinh/đội thí sinh sẽ được Ban tổ chức thông báo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Vòng chung kết dự kiến diễn ra trong 2 ngày vào tháng 11/2024, trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2024.

Thang điểm cuộc thi sẽ được chấm trên các tiêu chí như: tính mới, sáng tạo, giá trị khác biệt của ý tưởng/dự án so các sản phẩm đã có trên thị trường; tính bền vững của sản phẩm/dịch vụ; tính khả thi, tính cạnh tranh của ý tưởng/dự án; sự hiểu biết về thị trường; kế hoạch mở rộng thị trường; tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế-xã hội và ứng dụng thực tế.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thuc-day-tinh-than-khoi-nghiep-cua-hoc-sinh-sinh-vien-o-cac-co-so-giao-duc-nghe-post818801.html

  • Từ khóa