Ngành điều trước thách thức giữ vững "ngôi đầu bảng" - Bài 1: Lao đao "công xưởng" chế biến điều

Thứ 7, 13.07.2024 | 00:00:00
399 lượt xem

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn giữ vị trí số 1 thế giới về lượng điều xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, Campuchia và nhiều quốc gia ở châu Phi đẩy mạnh sản xuất điều thô và chế biến sâu điều nhân khiến ngành điều Việt Nam phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt. Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, giảm phụ thuộc vào nguồn điều nhập khẩu; chuyển đổi mạnh mẽ sang chế biến sâu, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng là yêu cầu "sống còn" để ngành điều giữ vững vị thế và làm chủ thị

Sơ chế hạt điều trước khi đưa vào kho bảo quản tại Công ty cổ phần Hà Mỵ, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.


Bài 1: Lao đao "công xưởng" chế biến điều

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Việt Nam hiện đang là "công xưởng" gia công, chế biến điều thô lớn nhất thế giới, xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... Tuy nhiên, khoảng 90% nguồn nguyên liệu chế biến lại đến từ nhập khẩu. Đây chính là lực cản lớn cho sự phát triển bền vững của ngành chế biến và xuất khẩu điều nhân, nhất là trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay.

Việt Nam hiện chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu của thế giới; lượng điều thô được chế biến bởi các nhà máy điều Việt Nam chiếm 60% sản lượng điều thô toàn cầu. Năm 2023, xuất khẩu điều cả nước đạt hơn 644.000 tấn, kim ngạch hơn 3,64 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18% về kim ngạch so với năm 2022.

"Thủ phủ" điều gặp khó

"Thủ phủ" điều Bình Phước là nơi sản xuất, kinh doanh điều sôi động nhất cả nước với 2.793 cơ sở chế biến, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, tổ hợp sản xuất với hơn 500 hội viên tham gia hoạt động. Đây được xem như trung tâm chế biến điều số một của thế giới, với công suất chế biến hạt điều 500.000 tấn/năm. Tỉnh Bình Phước cũng là địa phương đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều vào tháng 3/2018.

Khoảng hơn một tháng trước, giá hạt điều nguyên liệu thô tăng mạnh, các doanh nghiệp ngành điều bất ngờ trước sự biến động của thị trường. Có thâm niên gần 20 năm sản xuất, kinh doanh chế biến điều nhân, điều rang muối nhưng gần đây, cơ sở chế biến hạt điều Kim Yến (thị xã Phước Long) khá lúng túng vì giá điều tăng đột biến từng ngày. Chị Phùng Thị Kim Yến, đại diện cơ sở chế biến cho biết: Trong mùa điều, người dân thu hoạch, giá bán ra chỉ 25.000 đồng/kg nhưng vào giữa tháng 6/2024, giá hạt điều nguyên liệu thô của Việt Nam đã lên đến khoảng 40.000 đồng/kg, còn giá điều thô nhập khẩu thì tăng "chóng mặt" hơn nữa. Mặc dù nhu cầu về nguyên liệu điều trên thị trường rất lớn và giá điều ở mức cao nhưng nguồn cung cũng rất hiếm khiến các doanh nghiệp chế biến điều rơi vào tình trạng thấp thỏm đứng ngồi không yên.

Việt Nam hiện chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu của thế giới; lượng điều thô được chế biến bởi các nhà máy điều Việt Nam chiếm 60% sản lượng điều thô toàn cầu. Năm 2023, xuất khẩu điều cả nước đạt hơn 644.000 tấn, kim ngạch hơn 3,64 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18% về kim ngạch so với năm 2022.

Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas, nguồn cung điều thô trong nước hiện chỉ bảo đảm 10-12% nhu cầu chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp, cho nên lượng nhập khẩu lên tới 88%-90%. Tuy nhiên, vào cao điểm tháng 5, tháng 6/2024, nguồn điều thô nhập khẩu về cũng không được giao đúng theo hợp đồng hoặc mức giá tăng cao gấp nhiều lần đẩy doanh nghiệp nhập khẩu điều thô trong nước gặp khó, nguy cơ thua lỗ nặng. Có thời điểm doanh nghiệp xuất khẩu tại Tây Phi đã đẩy giá điều thô tăng hơn 40-50% so với tháng 2 và tháng 3/2024, lên 1.500-1.700 USD/tấn.

Về nguyên nhân của tình trạng này, ông Bạch Khánh Nhựt cho biết: Cây điều chịu hạn rất tốt nhưng năm nay, hiện tượng thời tiết El Nino đặc biệt hơn cho nên ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng điều ở tất cả quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, theo thông tin từ các doanh nghiệp thì sản lượng điều năm 2024 giảm khoảng 20%. Tại Bờ Biển Ngà - quốc gia cung ứng điều thô lớn cho Việt Nam - sản lượng điều giảm từ 20-25%. Chính vì vậy đến tháng 5/2024, Bờ Biển Ngà lần đầu ban hành lệnh cấm xuất khẩu điều thô nhằm bảo đảm đủ nguồn cung cho các doanh nghiệp chế biến trong nước. Đến ngày 10/6/2024, Bờ Biển Ngà mới có lệnh cho tiếp tục xuất khẩu bình thường trở lại, cho nên trong vòng 1 tháng, giá điều thô tăng cao bất thường. Điều này đẩy doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân của Việt Nam vào thế bí. Cụ thể, dù không nhập được điều thô để chế biến nhưng hợp đồng với đối tác đã ký, cho nên các nhà mua điều nhân đều thúc ép doanh nghiệp Việt Nam phải giao hàng bằng mọi giá với đúng giá trị hợp đồng.

"Theo thống kê, vào thời điểm đó, 1 container điều nhân xuất khẩu của doanh nghiệp phải chịu lỗ từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Với một doanh nghiệp lớn thì mỗi tháng xuất khoảng 10 container, có khi lên tới 30-40 container. Do đó, nhiều doanh nghiệp không dám tính đến con số thua lỗ, cố gắng hết sức để đàm phán với người mua chờ khi giá xuống sẽ giao hàng. Tuy nhiên điều này khó thực hiện được vì đối tác khi mua hàng của Việt Nam thì đồng thời cũng ký hợp đồng với hệ thống siêu thị cho nên họ cũng không thể đánh mất uy tín, thương hiệu cũng như không chấp nhận bị phía siêu thị phạt vì sai hợp đồng. Chính vì vậy, chưa khi nào doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều của Việt Nam phải "chịu trận" khốc liệt như thời gian qua", ông Nhựt cho biết thêm.

"Nút thắt" nguồn nguyên liệu

Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Mạnh cho biết: Từ năm 2008 đến 2013, năng suất điều của nước ta luôn duy trì ở mức thấp dưới 10 tấn/ha. Kể từ năm 2014, nhờ chương trình thâm canh vườn điều, năng suất điều đã được cải thiện và đạt 12 tạ/ha. Đến năm 2016 và 2017, năng suất điều bị giảm do tác động mạnh của hạn hán, mưa trái mùa và dịch bệnh. Năng suất điều năm 2023 đạt 12,2 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với năm 2022 và giảm 1,3 tạ/ha so với năm 2021. Tính cả giai đoạn nêu trên, năng suất điều Việt Nam tăng 5,7%/năm, đạt năng suất bình quân 12,5 tạ/ha, vẫn thấp so với mục tiêu đề ra là 15-20 tạ/ha. Trong giai đoạn 2000-2020, sản lượng điều thô Việt Nam tăng trưởng trung bình 8,1%/năm, sản lượng điều đạt cao nhất niên vụ 2021-2022 với 399,3 nghìn tấn.

Ngoài việc phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài do sản lượng điều thô trong nước ít, thì hoạt động chế biến điều của Việt Nam còn đang đứng trước nguy cơ lớn khi nguồn cung nhập khẩu đang dần thu hẹp. Thông tin từ Vinacas cho thấy, hiện các quốc gia sản xuất điều lớn trên thế giới như Bờ Biển Ngà, Campuchia đều đang có chiến lược đầu tư cho chế biến, hạn chế xuất khẩu thô để nâng cao giá trị gia tăng. Trong khi đó, việc tăng sản lượng điều thô trong nước cũng đang đứng trước muôn vàn thách thức.

Thực tế, diện tích điều đang bị thu hẹp bởi nông dân chuyển sang các cây trồng khác như cà-phê, tiêu...; những vườn điều đang sản xuất thì chủ yếu đã nhiều năm tuổi, cây đã lão hóa cho nên năng suất, sản lượng giảm. Mặc dù Cục Trồng trọt đã chủ trì, phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều xây dựng quy trình tái canh điều thích ứng biến đổi khí hậu, phân loại vườn điều, xây dựng kế hoạch và bước đi để có hướng cải tạo phù hợp nhưng hiệu quả vẫn chưa rõ rệt.

Hiện nay chưa có nhiều giống điều được chọn tạo và đưa ra sản xuất. Đối với giống mới đã đưa vào sản xuất thì các địa phương cũng chưa có chính sách hỗ trợ tái canh cho nên người dân không dám làm vì thời gian tái canh sẽ không cho thu hoạch, nông dân gặp khó để lo các chi phí cuộc sống do không có nguồn thu. Việc thực hiện tái canh cuốn chiếu phù hợp khả năng của từng hộ, từng vùng để không ảnh hưởng đến đời sống và tổng sản lượng điều cũng chưa được triển khai rộng và hiệu quả.

Chính vì những lý do đó mà việc tự chủ nguồn điều thô phục vụ chế biến xuất khẩu điều nhân của nước ta hiện vô cùng khó khăn. Trước mắt, trong quý III và quý IV/2024, dự báo ngành điều sẽ gặp trở ngại lớn vì tiếp tục thiếu nguyên liệu, thậm chí tình trạng này có thể kéo dài sang quý I/2025.

(Còn nữa)


Diện tích cây điều cả nước năm 2023 đạt 300.000 ha, giảm hơn 22.000 ha so với năm 2022, trong đó, diện tích cho thu hoạch hơn 285.000 ha, chiếm 95,1% tổng diện tích. Diện tích trồng điều tập trung tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ là 186.100 ha, chiếm 62,0% diện tích cả nước, tiếp theo là vùng Tây Nguyên với diện tích 85.100 ha chiếm 28,4% diện tích cả nước. Năm 2023, sản lượng điều cả nước đạt 347,6 nghìn tấn; trong khi lượng điều thô nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 là khoảng 2,8 triệu tấn, chủ yếu nhập từ châu Phi và Campuchia.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)



Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nganh-dieu-truoc-thach-thuc-giu-vung-ngoi-dau-bang-post818691.html

  • Từ khóa