Ngành điều trước thách thức giữ vững “ngôi đầu bảng” - Bài 2: Chủ động nguyên liệu, tăng chế biến sâu

Thứ 7, 13.07.2024 | 00:00:00
484 lượt xem

Dù được mệnh danh là “công xưởng” chế biến điều nhân của thế giới nhưng Việt Nam lại không có vùng nguyên liệu đủ lớn trong khi diện tích vùng trồng trong nước ngày càng thu hẹp. Để giữ vững vị trí số 1 về chế biến và xuất khẩu điều, cần sớm có các giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp tăng khả năng chủ động nguồn nguyên liệu; đồng thời có nguồn lực đầu tư chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng.

Đóng gói sản phẩm hạt điều tại Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo (thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước).


Định hướng phát triển điều đã được thể hiện tại Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/1/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc “Phê duyệt Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030”. Cụ thể, đến năm 2030, diện tích điều cả nước khoảng 280.000-300.000 ha. Trong đó, vùng trồng điều trọng điểm Đông Nam Bộ khoảng 170.000-180.000 ha; vùng Tây Nguyên khoảng 80.000 - 90.000 ha. Còn lại khoảng 10.000-30.000 ha được trồng tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định...

Chọn tạo giống tốt, ổn định vùng trồng

Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Mạnh cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không chủ trương mở rộng diện tích điều. Chính vì vậy, để ổn định vùng trồng, một số giải pháp được đưa ra như tổ chức lại sản xuất; thực hiện tái canh, cải tạo khôi phục vườn điều già cỗi, nhiễm sâu bệnh, giống không đạt yêu cầu; ứng dụng khoa học-công nghệ và chuyển giao giống, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Việc tổ chức lại sản xuất sẽ dựa trên cơ sở xây dựng các mô hình theo hai hướng liên kết ngang và liên kết dọc. Liên kết ngang là liên kết giữa các nông hộ trồng điều với nhau hình thành các tổ chức sản xuất như: Hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất, câu lạc bộ trồng điều năng suất cao, liên minh nông dân trồng điều,… nhằm tạo sự đồng thuận của các hộ trồng điều tại địa phương, tạo điều kiện cho việc tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường, giá cả; tiếp nhận các chính sách của Nhà nước. Liên kết dọc là liên kết giữa tổ chức sản xuất điều với doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu điều. Nhà nước khuyến khích và thông qua các tổ chức sản xuất của nông dân để thực thi các chính sách đối với người trồng điều như hỗ trợ giống, phân bón, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thực hiện các chính sách ưu đãi, vay vốn. Người trồng điều trong vùng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyền sử dụng đất và tài sản trên đất góp cổ phần, liên doanh liên kết sản xuất với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cùng kinh doanh và hưởng lợi hoặc chuyển nhượng để hình thành doanh nghiệp nông nghiệp.

Đối với công tác tái canh, tiến hành trồng tái canh hoặc ghép cải tạo diện tích điều già cỗi hơn 30 năm tuổi, năng suất thấp bằng những giống có năng suất cao hơn, phù hợp với chế biến như: PN1, AB29, AB05-08, LBC5... Mục tiêu đến năm 2030, khoảng 80-90% diện tích điều trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn; diện tích điều áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh chiếm 40-50%. Trong quá trình thực hiện, từng địa phương xây dựng kế hoạch, bước đi cụ thể để cải tạo khôi phục vườn điều, nhằm nâng cao chất lượng, tăng năng suất, hiệu quả và nâng cao thu nhập cho người dân.

Xác định giống là yếu tố quan trọng trong sản xuất, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng nghiên cứu chọn tạo giống điều tốt, thích nghi với từng vùng sinh thái: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. “Nghiên cứu về cây điều đã có một số kết quả bước đầu, công tác giống được quan tâm tuyển chọn, du nhập; nhiều tiến bộ kỹ thuật được nghiên cứu và áp dụng vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, sản lượng điều. Một số địa phương có diện tích điều lớn tiến hành bình tuyển cây đầu dòng ưu việt, có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh, thích nghi với địa phương, tổ chức đánh giá, nhân giống phục vụ trồng tái canh, cải tạo khôi phục những vườn điều già cỗi; xây dựng vườn đầu dòng, vườn nhân giống gốc. Đối với giống ghép, 100% cành ghép, gốc ghép phải lấy từ cây đầu dòng có chứng nhận; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cây giống bảo đảm yêu cầu. Cơ sở được chọn nhân, cung ứng giống phải cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chịu trách nhiệm vật chất về chất lượng cây giống”, ông Nguyễn Quốc Mạnh cho biết.

Đa dạng hình thức liên kết sản xuất, chế biến

Tại “thủ phủ” điều Bình Phước, để giải quyết bài toán nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã nông nghiệp trồng điều và bao tiêu sản phẩm. Công ty TNHH một thành viên Hạt Ðiều Vàng (xã Bù Nho, huyện Phú Riềng) đã liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hòa Phú (cùng ở xã Bù Nho) xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm cung ứng cho công ty sản xuất. Giám đốc Công ty Hạt Ðiều Vàng Vũ Mạnh Tùng cho biết: Việc liên kết sản xuất với nông dân đã tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, đạt chất lượng cho công ty và đem lại thu nhập ổn định cho các xã viên. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, công ty có vùng nguyên liệu hạt điều với diện tích hơn 300 ha. Từ đó góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và quy trình thực hành nông nghiệp tốt, ít chịu tác động về giá của thị trường. Hay như Công ty CP Hà Mỵ (huyện Ðồng Phú) đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu hạt điều thông qua việc hỗ trợ nông dân cây giống, công ty xây dựng quy trình trồng, chăm sóc cây điều hữu cơ và phát sổ nhật ký ghi chép cho nông dân để truy xuất nguồn gốc hạt điều. Nhờ đó đến nay, doanh nghiệp có hàng trăm héc-ta điều nguyên liệu.

Để nâng cao giá trị ngành điều, hướng đến phát triển bền vững thì ngoài việc liên kết để tạo vùng nguyên liệu ổn định, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư sản xuất sạch, chế biến sâu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới sẽ có sự sắp xếp lại các cơ sở chế biến điều theo hướng giảm đầu mối, giảm cơ sở chế biến nhỏ, không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành các cơ sở chế biến lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến điều liên kết, liên doanh hình thành các công ty có tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ cao, thương hiệu mạnh tham gia thị trường trong nước và nước ngoài.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, hiện nay, doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại để chế biến chuyên sâu theo phương châm “hạt điều tại Bình Phước được thu mua và chế biến để đưa đến bữa ăn người tiêu dùng”. Hạt điều Bà Tư là một trong những thương hiệu tiêu biểu của tỉnh Bình Phước do Công ty CP Tập đoàn Gia Bảo (thành phố Đồng Xoài) xây dựng. Công ty vừa khởi công xây dựng Nhà máy chế biến nông sản và thực phẩm Bà Tư Bình Phước với mức đầu tư 6,5 triệu USD trên diện tích 20.000 m2 với công suất 4.000 tấn/năm. Ông Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Để triển khai dự án này, công ty phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài, từ nguồn kinh phí đến vùng nguyên liệu với mục tiêu xây dựng dự án chế biến hoàn toàn xanh. Ngoài vùng nguyên liệu được xây dựng hàng chục năm trên đất Bình Phước, hiện công ty đang phát triển vùng nguyên liệu tại huyện Bắc Ái của tỉnh Ninh Thuận. Các hoạt động sẽ triển khai tối đa bằng nguồn năng lượng sạch, từ sản xuất đến điện chiếu sáng đều dùng điện năng lượng mặt trời. Sản xuất xanh chắc chắn giá thành sản phẩm cao hơn, do đó, công ty cũng đầu tư nhiều hơn cho các sản phẩm để có sự khác biệt, từ đó xây dựng chỗ đứng nhất định trên thị trường. Đặc biệt, sản xuất xanh sẽ góp phần giảm phát thải, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của công ty, nhất là khi các nước phát triển đang ưu tiên nhập khẩu các mặt hàng này.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/bai-2-chu-dong-nguyen-lieu-tang-che-bien-sau-post818888.html


  • Từ khóa