Kỹ năng nghề của thanh niên và thị trường lao động

Thứ 3, 16.07.2024 | 09:00:24
360 lượt xem

Thời gian qua, việc phát triển kỹ năng nghề cho lực lượng thanh niên luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia, Liên hợp quốc và các cơ quan, tổ chức quốc tế. Sự tham gia tích cực của lực lượng thanh niên giúp xã hội phát triển bảo đảm tính bao trùm, ổn định và bền vững.

Thầy giáo Trường cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh hướng dẫn sinh viên thực hành nghề cơ điện. (Ảnh: Minh Thắng)

Năm 2024, Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới (15/7), với chủ đề “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển” một lần nữa tiếp tục nhấn mạnh việc trang bị cho thanh niên những kỹ năng nghề và cơ hội để giúp họ chủ động gia nhập thị trường lao động, lập nghiệp và phát triển sự nghiệp... qua đó, đóng góp cho một tương lai hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, người lao động được đào tạo, giáo dục nghề nghiệp có khả năng được tuyển dụng, thu nhập và sự hài lòng trong công việc cao hơn so với những người không được đào tạo. Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn tập trung bồi dưỡng, đánh giá, phát triển kỹ năng nghề cho lao động trẻ theo nhu cầu doanh nghiệp; phối hợp với doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề.

Có thể thấy, người lao động được đào tạo và giáo dục nghề nghiệp được trang bị tốt hơn để thích ứng với các công nghệ kỹ thuật số mới, khả năng có việc làm và khả năng cạnh tranh được cải thiện, có thể đối phó với những thách thức kinh tế do đại dịch gây ra và có nhiều khả năng duy trì việc làm hơn so với những người không được đào tạo. Nhiều tổ chức quốc tế cũng cho rằng, kỹ năng nghề của người lao động sẽ là “đơn vị tiền tệ quốc tế mới” trong thị trường lao động tương lai, bởi vì nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn.

Theo Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%. Có thể thấy, hoạt động phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên Việt Nam nhằm mục đích phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước, được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Hưởng ứng ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới năm 2024, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, giá trị của giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, gắn với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát hiện, biểu dương và kịp thời khen thưởng vinh danh các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, đối tác có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chú trọng đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động, tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; đổi mới phương thức đào tạo theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt gắn với khung trình độ quốc gia và thị trường lao động; ưu tiên phát triển phẩm chất, hình thành các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ cho người học; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, phát triển kỹ năng nghề cho lao động trẻ theo nhu cầu doanh nghiệp; phối hợp với doanh nghiệp thực hiện công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề.

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình phát triển kỹ năng nghề tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khả năng dịch chuyển của nguồn nhân lực thanh niên trên thị trường lao động trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/ky-nang-nghe-cua-thanh-nien-va-thi-truong-lao-dong-post819284.html

  • Từ khóa