Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) được hình thành trên cơ sở hợp nhất Học viện Phòng không và Học viện Không quân vào năm 1999; là kết quả phát triển không ngừng của các nhà trường tiền thân qua từng giai đoạn cách mạng, gắn liền với sự phát triển của Quân chủng PK-KQ anh hùng.
Từ Trường Sĩ quan cao xạ, ban đầu quy mô còn nhỏ bé, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, trải qua 60 năm, Học viện đã không ngừng lớn mạnh, trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), nghiên cứu khoa học (NCKH) chuyên sâu, có uy tín cao trong lĩnh vực PK-KQ, tác chiến điện tử của Quân chủng, Quân đội và hệ thống giáo dục quốc dân.
60 năm qua, Học viện PK-KQ đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 8 vạn cán bộ, sĩ quan cho Quân đội nhân dân Việt Nam; gần 4.000 sĩ quan cho quân đội các nước Lào, Campuchia và Thái Lan. Học viên sau khi ra trường đã có mặt trên khắp các chiến trường, ở mọi miền đất nước, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Nhiều đồng chí phát triển trở thành tướng lĩnh, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà khoa học, công tác tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước; đảm nhiệm các vị trí chủ chốt của Quân chủng và Quân đội.
Giờ huấn luyện thực hành chuyên ngành pháo phòng không tại Học viện Phòng không-Không quân. Ảnh: QUÂN CƯỜNG |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện phương châm “Nhà trường gắn liền với chiến trường”, Học viện đã trực tiếp tham gia chiến đấu 129 trận, bắn rơi và làm bị thương 91 máy bay các loại của không quân Mỹ; 24 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của nhà trường đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với tinh thần tất cả vì sự bình yên của bầu trời Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Học viện luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, viết nên truyền thống vẻ vang “Đoàn kết anh dũng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, dạy tốt học tốt, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ”.
Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm qua, để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng PK-KQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trong giai đoạn hiện nay, Học viện đã và đang tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT và NCKH theo các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Quân chủng. Cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực quyết tâm xây dựng Học viện PK-KQ theo hướng “cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”, đào tạo đội ngũ sĩ quan chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo đó, Học viện tích cực đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, quy trình, chất lượng GD-ĐT, bảo đảm tính logic, khoa học, vừa đi trước đón đầu, vừa có tính kế thừa phù hợp, liên thông, không trùng lặp nội dung với từng đối tượng, chuyên ngành cụ thể, sát với thực tiễn ở đơn vị. Thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, Học viện coi trọng huấn luyện thực hành cho các đối tượng học viên, trọng tâm là nội dung thực tập, diễn tập có bắn đạn thật cuối khóa nhằm rèn luyện bản lĩnh, phương pháp tác phong, chỉ huy, giúp học viên có thể tiếp cận và hoàn thành tốt nhiệm vụ ngay sau khi ra trường.
Đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, khả năng tư duy và năng lực hoạt động thực tiễn của học viên; phát triển kỹ năng làm việc nhóm; rèn luyện kỹ năng thực hành, giao tiếp gắn với kỹ năng hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng, trang thiết bị hiện đại trong dạy và học; tăng cường huấn luyện và rèn luyện thể lực, bảo đảm chất lượng đầu ra theo yêu cầu phát triển của Quân chủng, Quân đội. Tiếp tục thực hiện các chu kỳ tự đánh giá chất lượng chương trình GD-ĐT, tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nội bộ, xây dựng và thiết lập cơ chế quản lý bảo đảm chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện.
Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tiêu chuẩn của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng. Tổ chức tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, nhất là việc cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo sau đại học ở các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội và ở nước ngoài. Đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế đảm nhiệm chức vụ chỉ huy, quản lý tại các đơn vị, cơ quan, nhà máy, nhất là các đơn vị được trang bị vũ khí, khí tài mới, cải tiến nhằm bổ sung kiến thức, rèn luyện phương pháp, tác phong chỉ huy, kỹ năng thực tiễn trong giảng dạy, NCKH. Mời các chuyên gia, cán bộ có kiến thức, có kinh nghiệm thực tế trực tiếp tham gia quá trình đào tạo và kiểm tra chất lượng đào tạo. Làm tốt công tác đánh giá giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục theo phương pháp lấy ý kiến phản hồi từ học viên để bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, phương pháp tác phong làm việc.
Chú trọng nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật hiện đại, ứng dụng hiệu quả các thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng GD-ĐT và NCKH. Tập trung quản lý, khai thác hiệu quả trung tâm huấn luyện thực hành, các phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm, các thiết bị mô phỏng, sở chỉ huy diễn tập trung đoàn, sư đoàn. Nâng cấp các trang thiết bị máy chiếu, máy tính, thiết bị âm thanh hiện đại, cài đặt các ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ huy điều hành, quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; quản lý các văn bản, xây dựng hệ thống thư viện số. Chủ động nâng cao chất lượng biên dịch tài liệu, biên soạn giáo trình, giáo án điện tử, viết phần mềm mô phỏng các loại vũ khí, trang bị mới, cải tiến hiện có ở các đơn vị trong Quân chủng. Đẩy mạnh hoạt động NCKH, cải tiến, sáng kiến, nâng cấp, khai thác có hiệu quả thư viện điện tử, mạng internet, mạng LAN, trang thông tin điện tử của Học viện...
Theo qdnd.vn