Cao tốc 2 làn xe mỗi chiều gây ra không ít phiền toái cho tài xế. Nhiều tuyến vừa khánh thành đã đứng trước nhu cầu cấp thiết phải nâng cấp mở rộng.
Trong những ngày cao điểm du lịch hè, một công ty tại Hà Nội đưa nhân viên về biển Cửa Lò (Nghệ An) nghỉ mát. Hành trình bằng xe khách của họ dự kiến chỉ tốn gần 5 giờ vì đi trên đường cao tốc mới.
Tuy nhiên, thời gian di chuyển thực tế tốn hơn 6 tiếng. Vừa vào đến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, xe liên tục gặp ùn tắc, bị CSGT yêu cầu rẽ sang đường quốc lộ.
Những vị khách từ Hà Nội lần đầu trải nghiệm tuyến cao tốc nối thẳng đến Nghệ An, nhưng cũng đồng thời hiểu được việc đi lại thuận lợi trên tuyến đường này "hên xui" như thế nào.
Cao tốc thành "thấp tốc"
Trải nghiệm trên chỉ là một lát cắt trong hàng loạt tình huống gián đoạn giao thông đã xảy ra trên tuyến cao tốc Hà Nội - Nghệ An thời gian gần đây.
Theo thống kê của đơn vị quản lý vận hành, chỉ tính riêng đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 từ đầu tháng 7 đến nay đã xảy ra 5 vụ tai nạn gây tắc đường và hư hỏng nhiều tài sản của đường cao tốc. Tai nạn chủ yếu do lái xe không giữ khoảng cách an toàn, vượt không đúng quy định.
CSGT phải phân luồng phương tiện rẽ sang quốc lộ mỗi khi có tai nạn trên đường cao tốc (Ảnh: Ngọc Tân).
Đoạn cao tốc này càng đông đúc hơn khi từ ngày 1/7, việc cấm xe có trọng tải trên 10 tấn lưu thông đã được gỡ bỏ. Đường đón nhiều xe tải hơn, tạo thuận lợi cho ngành logistics nhưng cũng ghi nhận số tai nạn tăng lên rõ rệt.
Có tình huống một xe tải gặp sự cố nhưng không có làn dừng khẩn cấp để tấp vào. Tài xế buộc phải dừng xe trên làn đường xe chạy và một lát sau bị một xe tải khác tông vào đuôi.
Vụ tai nạn khiến cả 2 làn đường bị bịt kín. Đơn vị quản lý cao tốc và lực lượng CSGT phải lập tức chạy đến nút giao gần nhất để phân luồng phương tiện rẽ sang đường quốc lộ.
Theo đánh giá của đơn vị quản lý vận hành, cao tốc rộng hay hẹp đều có thể xảy ra tai nạn. Nhưng tại các cao tốc nhiều làn đường, việc tiếp cận hiện trường và phân luồng phương tiện tương đối dễ dàng. Trong khi đó, tai nạn trên các cao tốc hẹp thường dẫn tới cảnh ùn tắc kéo dài.
"Việc tiếp cận hiện trường tai nạn cũng rất khó khăn, nhiều khi đường tắc, anh em phải ôm chóp nón, biển báo chạy bộ đến hiện trường", đại diện đơn vị quản lý vận hành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 chia sẻ.
Tình huống một xe tải gặp sự cố phải dừng trên cao tốc không có làn khẩn cấp, bị một xe khác tông từ phía sau (Ảnh: T.H.).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Cục CSGT cho biết lực lượng tuần tra cao tốc rất khó tiếp cận hiện trường tai nạn khi mặt đường nhỏ hẹp, không có làn khẩn cấp. Khi tiếp cận được thì xe của CSGT cũng phải bất đắc dĩ đỗ trên làn đường xe chạy, tiềm ẩn nguy hiểm cho lực lượng điều tiết giao thông.
Theo thiết kế, đoạn cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An chỉ có 2 làn xe mỗi chiều, mỗi làn rộng 3,5m và không có làn dừng khẩn cấp liền mạch. Trong khi đó, đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng chỉ có 2 làn xe chạy nhưng an toàn hơn vì mỗi làn xe rộng tới 3,7m và có làn dừng khẩn cấp liền mạch.
Để bảo đảm an toàn giao thông, lực lượng CSGT phải tăng cường tuần tra trên tuyến, hướng dẫn lái xe đặt cảnh báo khi gặp sự cố để cho các phương tiện khác dễ nhận biết, phòng ngừa tai nạn.
Giải pháp thu phí, mở rộng làn đường
Theo thống kê của Bộ GTVT, trên cả nước hiện có gần 500km cao tốc có quy mô 4 làn xe hạn chế tương tự như cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Điểm chung của các cao tốc này là bề rộng nền đường chỉ đạt 17m, mỗi chiều đường có 2 làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp liền mạch.
Như đã nhiều lần giải trình trước Quốc hội và cử tri, Bộ GTVT khẳng định việc đưa các tuyến cao tốc vào khai thác đã phát huy hiệu quả về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do nguồn lực nhà nước còn khó khăn, nhiều tuyến phải phân kỳ với bề rộng nền đường hạn chế, giảm hiệu quả thông hành và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Một vụ tai nạn ở phía trước khiến CSGT phải chuyển hướng dòng xe từ cao tốc sang quốc lộ (Ảnh: Ngọc Tân).
Hiện nay, chủ đầu tư của một số dự án đã kiến nghị mở rộng mặt đường để tránh nguy cơ mãn tải.
Đơn cử, UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - Quốc lộ 45 lên quy mô 6 làn xe. Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng đề xuất mở rộng cao tốc này lên quy mô hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, việc thiếu rào cản "phí" là lý do khiến nhiều tuyến cao tốc trở nên đông đúc và phát sinh tai nạn, sự cố.
Đối với gần 500km cao tốc quy mô 4 làn xe hạn chế, chỉ trừ một số dự án BOT đã triển khai thu phí hoàn vốn, các dự án còn lại được đầu tư bằng vốn Nhà nước nên vẫn cho phương tiện lưu thông miễn phí.
Do đó, quan điểm của Bộ GTVT là không đồng loạt mở rộng các đoạn cao tốc này lên 6 làn xe. Trước mắt, Bộ ủng hộ việc ưu tiên mở rộng một số dự án như Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận... và các đoạn chỉ có 2 làn xe như Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên...
Với các tuyến cao tốc còn lại, Bộ GTVT kỳ vọng việc áp dụng thu phí sẽ khiến lưu lượng phương tiện chuyển một phần sang đường quốc lộ song hành, giúp giảm nguy cơ mãn tải và tai nạn giao thông trên cao tốc.
Bên cạnh đó, việc bàn giao các dự án cao tốc cho đơn vị vận hành chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ quản lý giao thông thông minh trong thời gian tới cũng được kỳ vọng giúp việc đi lại trên cao tốc được thông suốt hơn.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/sot-ruot-vi-cao-toc-2-lan-xe-suot-ngay-un-tac-20240719020541232.htm