Chính sách và nguồn lực cho cây sâm Ngọc Linh

Chủ nhật, 21.07.2024 | 14:58:27
420 lượt xem

Hiện nay, cây sâm Ngọc Linh đã và đang từng bước phát triển, tạo thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế, chính sách và nguồn lực đủ mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển tiềm năng vùng nguyên liệu và thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Vườn ươm bảo tồn giống sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam. (Ảnh QUANG THỌ)

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh là 1.243 ha, chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My. Trên địa bàn tỉnh có hai đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chăm sóc và bảo vệ vườn sâm giống gốc tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My.

Đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến sâm Ngọc Linh, với lượng nguyên liệu tiêu thụ mỗi doanh nghiệp khoảng 50-60 kg/năm. Sâm Ngọc Linh cũng được đưa vào giới thiệu và tiêu thụ trong các phiên chợ hằng tháng tại huyện Nam Trà My, với lượng tiêu thụ trung bình khoảng 30 kg/phiên.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất cây sâm Ngọc Linh được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn, nâng cao tỷ lệ cây giống đạt tiêu chuẩn. Đến nay, các đơn vị đã làm chủ được công tác gieo ươm, chăm sóc cây giống trong điều kiện khí hậu bất lợi, khó khăn và cơ bản đáp ứng được một phần nhu cầu cây giống đạt chất lượng để cung ứng cho phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam xác định việc phát triển cây sâm Ngọc Linh kết hợp các tour du lịch là một trong những điều kiện để thúc đẩy kinh tế vùng sâm. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như: Triển khai dự án xây dựng khu du lịch vùng Sâm Tắc Ngo; Quy hoạch xây dựng làng văn hóa Mô Chai. Huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện Tu M’rông (tỉnh Kon Tum) cũng đã định hướng xây dựng quần thể du lịch giữa hai huyện.

Mặc dù công tác bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để sớm hình thành được Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam theo chủ trương và đề án đang được Bộ Y tế và tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện và Chương trình phát triển Sâm Việt Nam tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, việc phát triển sản xuất, quản lý cây sâm Ngọc Linh bị ảnh hưởng do: Chưa có quy định về trình tự thủ tục, hồ sơ, thời gian thuê, mức giá thuê và hạn mức thuê môi trường rừng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất để phát triển cây dược liệu; chưa có quy định cụ thể để xác định thế nào là sâm Ngọc Linh tự nhiên và sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo cho nên cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc tham mưu, đề xuất cấp mã số cho cơ sở nuôi, trồng đối với sâm Ngọc Linh tự nhiên theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ và triển khai phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng đến xuất khẩu đối với sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo.

Khoa học, công nghệ được cho là nền tảng để phát triển nhanh chóng sâm Ngọc Linh, tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn nhân lực đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển cây sâm Ngọc Linh còn mỏng; việc đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển cây sâm Ngọc Linh chưa nhiều.

Việc xác định cây sâm Ngọc Linh hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, chưa được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng để kiểm định, phân định rõ ràng. Do đó, tình trạng sản phẩm sâm Ngọc Linh giả vẫn diễn ra thường xuyên và phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng cây sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh công tác trồng, sản xuất thì việc đồng bộ các công trình về kết cấu hạ tầng giao thông thực hiện liên kết vùng sâm chủ yếu dựa vào nguồn lực địa phương cho nên còn rất nhiều hạn chế; chưa bảo đảm và tương xứng với nhu cầu phát triển hàng hoá, du lịch và kêu gọi các nguồn đầu tư đủ mạnh để phát triển vùng Sâm Ngọc Linh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, để xây dựng và phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y-dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng-an ninh tại các huyện miền núi cao, cần bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện các đề án, dự án về phát triển sâm Ngọc Linh dự kiến triển khai trong thời gian tới.

Theo đó, cần sơ kết thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, từ đó làm cơ sở cho các tỉnh đánh giá kết quả đạt được và có những kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới; đầu tư hạ tầng vùng sâm Ngọc Linh; kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển.

Bộ Y tế sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hướng dẫn việc thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu theo Điều 248, Luật Đất đai năm 2024. Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các đề tài, chương trình nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, nhất là việc di thực sâm xuống độ cao thấp hơn có điều kiện tương đồng, phát triển công nghiệp sâm…


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chinh-sach-va-nguon-luc-cho-cay-sam-ngoc-linh-post820207.html

  • Từ khóa