Thanh Hóa nghiên cứu phát triển du lịch ở ngôi làng phát hiện cụm mộ cổ

Thứ 2, 22.07.2024 | 09:47:32
582 lượt xem

Cơ quan chức năng huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đang lên kế hoạch khảo sát, xây dựng làng cổ Tiên Hòa - ngôi làng đặc biệt tại xã Hà Lĩnh - thành địa điểm du lịch cộng đồng.

Bà Phan Thị Lan, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, cho biết đơn vị đang lên kế hoạch thực hiện khảo sát để tổ chức hội thảo nhằm phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực làng cổ Tiên Hòa (xã Hà Lĩnh).

Theo bà Lan, đây là chương trình nằm trong kế hoạch triển khai đề án phát triển du lịch huyện Hà Trung đến năm 2030.

Trước đó, khoảng tháng 5, UBND huyện Hà Trung đã mời các chuyên gia du lịch, văn hóa về khảo sát tiềm năng du lịch trên địa bàn 5 xã: Hà Long, Hà Lĩnh, Hà Tiến, Hà Sơn và Hà Ngọc.

Thanh Hóa nghiên cứu phát triển du lịch ở ngôi làng phát hiện cụm mộ cổ  - 1

Làng cổ Tiên Hòa, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung nhìn từ trên cao (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo đánh giá sơ bộ từ các chuyên gia, huyện Hà Trung có tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, xác định vùng lõi là làng cổ Tiên Hòa, xã Hà Lĩnh, vùng phụ cận bao gồm các xã: Hà Long, Hà Tiến, Hà Sơn, Hà Ngọc.

Làng cổ Tiên Hòa là một ngôi làng có lịch sử lâu đời. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và thời gian, ngôi làng vẫn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc cũng như văn hóa truyền thống.

Theo các bậc cao niên, ngôi làng có tên nôm là Kẻ Khao, sau đó đổi tên là Tiên Cảo và hiện nay được gọi với tên Tiên Hòa. Vào khoảng năm 1650, làng Tiên Hòa được tách ra làm hai thôn. Một bộ phận dân cư tập trung xung quanh chân núi để tránh lũ lụt về mùa mưa, nên gọi là thôn Tiên Hòa Sơn (hay Khao Rú); số còn lại sống tại Tiên Hòa Bái (còn gọi là Khao Đồng).

Thanh Hóa nghiên cứu phát triển du lịch ở ngôi làng phát hiện cụm mộ cổ  - 2

Những ngôi nhà mái ngói mọc san sát dọc quả đồi ở làng Tiên Hòa (Ảnh: Thanh Tùng).

Trong đợt khai quật năm 2013, các nhà khoa học đã phát hiện di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa thuộc nền Văn hóa Đa Bút, cách ngày nay khoảng 5.000-6.000 năm.

Tại đây, số lượng lớn rìu, đục bằng đá, dao, chày nghiền, bàn nghiền của người nguyên thủy đã được khai quật, tìm thấy.

Cũng tại di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa, các nhà khoa học còn phát hiện có sự tồn tại của nhiều vỏ nhuyễn thể (vỏ hến, sò gai…). Đây là căn cứ cho suy đoán, tại đây không chỉ có săn bắn hái lượm mà còn có cả đánh cá và khai thác thủy, hải sản.

Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã phát hiện 146 di cốt người tiền sử, trong đó có cụm mộ cổ gồm 3 cá thể được chôn cùng tại một thời điểm trong tư thế mai táng ngồi co bó gối.

Trong đó, có 2 di cốt là người lớn (1 nam, 1 nữ, khoảng 50-60 tuổi) và 1 trẻ em (vài tháng tuổi), có niên đại khoảng 5.000-6.000 năm. Hiện cụm mộ cổ và hàng nghìn công cụ lao động bằng đá được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa nghiên cứu phát triển du lịch ở ngôi làng phát hiện cụm mộ cổ  - 3

Kiến trúc ngõ hạng độc đáo ở làng cổ Tiên Hòa được tạo tác bởi bậc thềm đá chắc chắn (Ảnh: Quách Tuấn).

Trải qua quá trình phát triển với nhiều biến động, song địa giới chính của làng Tiên Hòa vẫn là phần đất rộng lớn phía Tây xã Hà Lĩnh. Làng được bao bọc xung quanh bởi núi, rừng và đồi đất.

Dân cư trong làng được sinh sống và phân bố theo 12 ngõ hạng với từng tên riêng như: Ngõ Mã, ngõ Thượng, ngõ Cừa, ngõ Cụt, ngõ Hát, ngõ Trung, ngõ Đình, ngõ Chùa, ngõ Trôi, ngõ Nghè, ngõ Giếng Đào. Kiến trúc ngõ hạng độc đáo là dấu tích lịch sử, nét văn hóa đặc trưng của làng cổ Tiên Hòa.

"Trước những tiềm năng, giá trị lịch sử, văn hóa, thời gian tới, chúng tôi hy vọng làng Tiên Hòa sẽ trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt đối với những người yêu thích văn hóa, trải nghiệm", bà Lan nói.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/du-lich/thanh-hoa-nghien-cuu-phat-trien-du-lich-o-ngoi-lang-phat-hien-cum-mo-co-20240720163813671.htm

  • Từ khóa