3 lớp của “Trường học hạnh phúc”

Thứ 3, 23.07.2024 | 15:05:56
429 lượt xem

Trong thập kỷ qua, khái niệm “Trường học hạnh phúc” đã trở thành một chủ đề được quan tâm thảo luận và nghiên cứu trong các chính sách phát triển và giáo dục toàn cầu.

Tuy nhiên, việc định nghĩa “Trường học hạnh phúc” vẫn là một thách thức do sự khác biệt văn hóa và môi trường giữa các quốc gia. Nhiều học giả đã so sánh khái niệm này với một “tảng băng ba lớp”, trong đó chỉ hai lớp nổi và một lớp chìm. Cách tiếp cận này cung cấp một góc nhìn thú vị và trực quan về “Trường học hạnh phúc”.

Lớp nhìn thấy được

Lớp đầu tiên, dễ nhìn thấy nhất là sự khang trang, quy củ, xanh sạch đẹp của ngôi trường. Các công trình kiến trúc được bố trí hợp lý, mang đậm nét văn hóa và gần gũi với học sinh. Điều này thể hiện qua đồng phục và phù hiệu của giáo viên và học sinh, tiếng cười vui đùa, nụ cười tươi tắn của thầy cô ngoài sân trường, cùng cách nói chuyện nhẹ nhàng, thân thiện. Một ngôi trường hạnh phúc còn có mùi thơm của hoa lá, không gian học đường sạch sẽ và những cái bắt tay, cái vỗ về yêu thương giữa bạn bè và thầy cô. Người ta nói rằng chỉ cần quan sát cách bảo vệ cổng trường làm việc, cũng có thể thấy được các mối quan hệ trong trường như thế nào. Những khẩu hiệu như “Trường học hạnh phúc” hay “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” cũng góp phần tạo nên cảm xúc dễ chịu và thân thương.

3 lớp của “Trường học hạnh phúc”
Trường học mang lại hạnh phúc cho người học. 

Lớp nổi thứ hai

Lớp tiếp theo thể hiện qua hành vi ứng xử của các thành viên trong trường, bao gồm cả giáo viên và học sinh. Cách ứng xử này phản ánh các quy tắc văn hóa, lòng tự trọng và quan hệ giữa thầy và trò, đồng nghiệp và bạn bè. Những biểu hiện này thể hiện qua lời nói, cách giao tiếp và phong cách ứng xử hằng ngày. Thói quen đi họp đúng giờ, không làm việc riêng hay sử dụng điện thoại trên lớp là những dấu hiệu của một môi trường văn hóa lành mạnh. Trong lớp học, cách xưng hô chuẩn mực là thầy cô và các em học sinh, không bị ảnh hưởng bởi cách gọi trong gia đình hay ngoài xã hội. Học sinh kính trọng thầy cô một cách tự nhiên và chân thành, không giả tạo. Giáo viên và học sinh có không gian riêng, nhưng không cảm thấy cách biệt. Học tập trong môi trường bền vững, đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ, tiếng ồn và vệ sinh, cùng với dinh dưỡng bữa ăn hằng ngày.

Lớp chìm của tảng băng

Lớp cuối cùng, phần chìm của tảng băng, là các chuẩn mực giá trị của môi trường văn hóa nhà trường, bao gồm giá trị chân, thiện, mỹ, niềm tin, kỳ vọng và ý thức. Các mối quan hệ, không gian học đường và tổ chức chương trình giảng dạy đều phụ thuộc vào lớp này. Để nhận diện được lớp này, cần thời gian nghiên cứu, phỏng vấn giáo viên và học sinh để hiểu rõ hơn về thái độ và trách nhiệm của họ đối với sự phát triển của nhà trường, phong cách lãnh đạo và mức độ chuyên nghiệp trong công việc. Những điều này quyết định toàn bộ phần nổi của tảng băng, làm cho khái niệm “Trường học hạnh phúc” trở nên thật và bền vững.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/3-lop-cua-truong-hoc-hanh-phuc-786488

  • Từ khóa