Trong trường hợp giá mua điện của dự án điện gió ngoài khơi cao hơn giá bán điện của EVN hoặc làm cho EVN thua lỗ, thì về nguyên tắc EVN có quyền từ chối mua điện để "bảo toàn và phát triển vốn của EVN"
Báo Người Lao Động mới đây đã thông tin về Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có phương án lựa chọn nhà đầu tư.
Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào đã được cấp chủ trương đầu tư. Ảnh minh họa
Tại báo cáo, Bộ Công Thương nêu ra 3 phương án giao Tập đoàn kinh tế nhà nước triển khai dự án thí điểm điện gió ngoài khơi gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Với phương án giao cho EVN, Bộ Công Thương cho biết việc giao EVN đầu tư thí điểm cũng có ưu điểm nhất định do không phải tiến hành đàm phán giá điện (do EVN đồng thời là đơn vị mua điện và bán điện).
Theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.500 MW.
Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào đã được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện.
Nhiều chuyên gia nhận định suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, khoảng 2,5-3 tỉ USD/1.000 MW và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát.
Như vậy, mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII đạt 6.000 MW vào năm 2030 là rất khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Trong khi đó, hiện chưa có giá bán điện cho dự án điện gió ngoài khơi.
Báo cáo của EVN (Công văn số 1801/EVN-ĐT ngày 3-4-2024) cho hay giá bán điện các nhà máy điện gió ngoài khơi khá cao (khoảng 11-13 UScent/kWh) so với chi phí biên dài hạn của hệ thống.
"Hiện chưa có nhà đầu tư (tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài) đầu tư dự án điện gió ngoài khơi nên chưa rõ yêu cầu của nhà đầu tư liên quan đến cam kết sản lượng, hợp đồng mua bán điện, việc chuyển đổi ngoại tệ và các yêu cầu về tài chính liên quan đến điện gió ngoài khơi" - Bộ Công Thương cho biết.
Tuy nhiên, cơ quan này cho hay theo khoản 4 Điều 7 Luật Danh nghiệp, doanh nghiệp có quyền "Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng".
EVN là doanh nghiệp Nhà nước, "trực tiếp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật, bảo toàn và phát triển vốn của EVN".
Theo đó, trong trường hợp giá mua điện của dự án điện gió ngoài khơi cao hơn giá bán điện của EVN hoặc làm cho EVN thua lỗ, thì về nguyên tắc EVN có quyền từ chối mua điện để "bảo toàn và phát triển vốn của EVN".
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/evn-co-the-duoc-tu-choi-mua-dien-gio-ngoai-khoi-19624072907402048.htm