Ngày 10/8, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Lộc hiện tạm giữ hình sự Lê Hạ Tuấn và Lê Tuấn Thành cùng một số đối tượng liên quan phục vụ điều tra mở rộng vụ sản xuất nước giặt giả thương hiệu nhãn hàng OMO.
Cơ quan Công an thi hành lệnh khám xét kho Đông Hưng. |
Qua nắm tình hình, Công an huyện Vĩnh Lộc phát hiện trên sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam có đối tượng nghi vấn mua bán hàng giả thương hiệu của nhãn hàng OMO nên xác lập chuyên án để đấu tranh.
Công an huyện Vĩnh Lộc tập trung rà soát, thu thập tài liệu, chứng cứ, phân công 2 tổ công tác phối hợp Công an các xã Tế Nông, Tân Phúc, huyện Nông Cống đồng loạt kiểm tra hành chính tại Tổng kho Đông Hưng do Lê Tuấn Thành, sinh năm 1995 làm chủ ở thôn Đông Hưng, xã Tế Nông và cơ sở sản xuất do Lê Hạ Tuấn, sinh năm 1995, ở thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống làm chủ.
Tại Tổng kho Đông Hưng, tổ công tác phát hiện, lập biên bản thu giữ 182 thùng nước giặt giả thương hiệu OMO (mỗi thùng có 4 túi, loại 3,6 kg/túi); 16 thùng nước giặt giả thương hiệu OMO (mỗi thùng có 4 túi, loại 2kg/túi); 1 máy vi tính, 1 máy tạo đơn hàng; 110kg thùng bìa các-tông không có nhãn mác.
Cơ quan chức năng phát hiện nhiều bịch nước giặt giả được đóng gói, chuyển bị đưa đi tiêu thụ. |
Tại cơ sở sản xuất của Lê Hạ Tuấn, tổ công tác thu giữ 283 thùng nước giặt giả nhãn hiệu OMO (mỗi thùng có 4 túi, loại 3,6 kg/túi); 150 thùng nước giặt giả nhãn hiệu OMO (mỗi thùng có 4 túi, loại 2kg/túi); 2 bình chiết xuất; 6 bì (tổng trọng lượng 160kg) vỏ bao nước giặt in hình giả thương hiệu nhãn hàng OMO; 1 thùng chứa nắp đóng túi sản phẩm; 540kg thùng bìa các-tông in nhãn hiệu OMO; 1 máy trộn; 20 bao hóa chất và muối lạnh; khoảng 600 lít nước giặt thành phẩm; 47 thùng nước rửa chén, bát, giả nhãn hiệu Sunlight.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Lộc đã điều tra rõ, xác định: Dưới vỏ bọc là cơ sở sản xuất giấy vệ sinh được cấp phép hoạt động, Lê Hạ Tuấn biến xưởng sản xuất giấy của mình thành nhiều phòng để chứa nguyên liệu, máy móc pha chế, san chiết các loại hàng hóa giả thương hiệu nhãn hàng OMO.
Tuấn đã tự học cách chế biến trên kênh YouTube, mua các loại hoá chất trên mạng xã hội, rồi thuê nhân công pha chế, thuê in ấn bao bì giả thương hiệu nhãn hàng OMO để san chiết, đóng gói, cung cấp cho các đối tượng chuyên bán hàng qua mạng.
Công an kiểm tra cơ sở sản xuất do Lê Hạ Tuấn (dấu X) làm chủ. |
Lê Tuấn Thành mua các sản phẩm nước giặt của Lê Hạ Tuấn, rồi đăng trên sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam, livestream trên mạng xã hội với những lời quảng cáo, mời chào hấp dẫn, những chiêu hạ giá “sập sàn” nhằm bán sản phẩm. Khách có nhu cầu đặt mua, Thành thực hiện giao hàng hóa, nhận tiền qua hệ thống shipper hoặc các công ty chuyển phát nhanh.
Theo cơ quan Công an, hàng tháng các đối tượng đã bán trên 4.000 sản phẩm nước giặt giả thương hiệu nhãn hàng OMO, tương đương giá trị hàng thật khoảng 1 tỷ đồng, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tam-giu-hinh-su-doi-tuong-san-xuat-ban-nuoc-giat-gia-post823691.html