Nâng cao nhận thức và hành động bảo tồn di sản trong giới trẻ

Chủ nhật, 11.08.2024 | 08:51:28
390 lượt xem

Sinh thời, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp văn hóa, giáo dục của đất nước. Trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng chí nhiều lần nhấn mạnh:

Giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)


Nhiệm vụ của giáo dục-đào tạo là "xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân,... làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách", bồi đắp những giá trị văn hóa, sống là người có nghĩa có tình, có trước có sau, có nhân cách, bản lĩnh, có lòng yêu nước, thiết tha gắn bó với nhân dân, sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đồng chí Tổng Bí thư nhắc nhở: "Cha ông đã để lại cho chúng ta một đất nước Việt Nam giang sơn gấm vóc vô cùng tươi đẹp. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là phải làm cho non sông nước Việt ngày càng giàu đẹp, hùng cường".

Những ý kiến chỉ đạo trong lĩnh vực phát triển văn hóa-giáo dục của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa mang tầm bao quát, vừa chứa đựng mong mỏi sâu sắc về giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong tổng thể đó, có lĩnh vực giáo dục di sản. Nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động bảo tồn di sản trong giới trẻ là nhiệm vụ cần phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý di sản và hệ thống cơ sở giáo dục.

Một trong những lợi ích mang lại từ hoạt động giáo dục thực tế tại di tích, bảo tàng là khích lệ tinh thần ham học hỏi, tìm hiểu, bổ sung tri thức văn hóa trong thanh thiếu niên. Qua đó, di sản được sử dụng như tài nguyên trực quan để truyền dạy kiến thức và các kỹ năng qua hoạt động tương tác của học sinh. Một trong những nguyên tắc then chốt của lý thuyết giáo dục di sản trong bảo tàng học hiện đại là quan sát hiện vật, "lắng nghe" và thấu cảm.

Các hoạt động tương tác tạo cơ hội cho các em tiếp xúc trực tiếp với các hiện vật, nghe chuyện kể về các hiện vật, được khuyến khích đặt câu hỏi và có thể tự trả lời các câu hỏi đó... Tất cả nhằm mục đích mở rộng tối ưu kiến thức lịch sử-văn hóa cho thế hệ tương lai. Từ góc nhìn và phương pháp coi di tích, bảo tàng là nơi học hỏi, khám phá với những hoạt động trực quan sẽ khơi dậy niềm hứng thú với lịch sử, văn hóa, và còn có thể khai mở những tiềm năng, tác động đến nhận thức giúp các em hình thành ý thức trân trọng và từ đó hành động đúng để bảo vệ các di tích, di sản.

Từ năm 1994, UNESCO đã thành lập Chương trình Giáo dục di sản thế giới cho thanh thiếu niên (Chương trình WHE) nhằm thúc đẩy vai trò của giới trẻ trong việc bảo tồn di sản thế giới. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây quan niệm về giáo dục di sản đã có nhiều đổi mới. Các chương trình giáo dục di sản mới đã đưa các di sản trở thành công cụ tham gia vào quá trình giáo dục ở các bậc học phổ thông.

Năm 2022, trong Kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có nội dung triển khai các mô hình "Câu lạc bộ em yêu lịch sử", "Giờ học lịch sử" tại bảo tàng cấp tỉnh. Theo đó, cán bộ giáo dục ở các di tích, bảo tàng đồng hành và sử dụng những hiện vật để truyền cho các em cảm hứng mạnh mẽ, kích thích trí tưởng tượng qua đó các em có được những cảm nhận sâu sắc và sinh động, thúc đẩy tư duy, tăng thêm nhận thức và tình yêu lịch sử-văn hóa.

Có thể nêu thí dụ sinh động cho những chương trình giáo dục di sản theo hướng hiện đại là mô hình giáo dục di sản ở Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Từ cuối năm 2018, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã triển khai chương trình giáo dục di sản mới với hơn 30 chủ đề sinh động về các giá trị đa dạng của khu di tích. "Khu trải nghiệm cùng di sản" đã được xây dựng cho học sinh với thiết bị dạy học tương đối hiện đại giúp tiếp thu kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm. Trong năm 2023, chương trình trải nghiệm giáo dục di sản trên di tích ở đây luôn kín lịch với hàng trăm lớp với hàng nghìn học sinh ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Là những người nhiều năm trực tiếp làm công tác hướng dẫn, truyền dạy cho các em học sinh những kiến thức và tình yêu di tích, di sản, chúng tôi nhận thấy, nếu chúng ta làm tốt công tác giáo dục di sản sẽ giúp thanh, thiếu niên có nhận thức về di sản và bảo vệ di sản theo hướng tích cực. Từ đó, từng bước hình thành thói quen, hành động bảo vệ di sản, góp phần không nhỏ vào việc "nâng cao bản lĩnh và ý thức dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc" để "hội nhập mà không hòa tan" theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nang-cao-nhan-thuc-va-hanh-dong-bao-ton-di-san-trong-gioi-tre-post823726.html

  • Từ khóa