Áp lực giải ngân đầu tư công ngành giao thông

Thứ 6, 16.08.2024 | 08:29:31
472 lượt xem

Trong điều kiện một số dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, gặp khó khăn, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thủ tục cấp mỏ vật liệu xây dựng chưa được xử lý dứt điểm, điều kiện thời tiết bất lợi cuối năm,... là những yếu tố tiềm ẩn thách thức đối với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024.

Công nhân các nhà thầu thi công hạng mục cầu trên tuyến cao tốc bắc-nam.

Để “cán đích” mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm nay, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu tập trung giải quyết, tổ chức thi công các hạng mục có khối lượng lớn trước mùa mưa; tập kết đầy đủ nguyên vật liệu làm móng, mặt đường; duy trì nhịp độ thi công “3 ca, 4 kíp” để bảo đảm kế hoạch đề ra.

Bước chạy “nước rút” giải ngân

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến hết tháng 7/2024, Bộ đã giải ngân gần 30.800 tỷ đồng trên tổng số 62.604 tỷ đồng, đạt 49,2% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đã được giao và cao hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (31,6%).

Với đà duy trì việc đẩy nhanh tiến độ tại các dự án trong những tháng cuối năm, cùng với việc được bổ sung hơn 13.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trong nước, ước tính trong năm nay, Bộ Giao thông vận tải có thể giải ngân khoảng 74.680 tỷ đồng, bằng 119% kế hoạch vốn được giao lần đầu.

Để có khối lượng giải ngân, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thường xuyên đi kiểm tra hiện trường, trực tiếp điều hành, quyết liệt và kịp thời tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, thiết bị, nguồn tài chính, tăng ca, tăng kíp thi công để đẩy nhanh tiến độ; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ có các chỉ đạo tháo gỡ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án khu vực các tỉnh phía nam.

Áp lực giải ngân đầu tư công ngành giao thông ảnh 1

Các đơn vị tiến hành thảm lớp cấp phối đá dăm trên tuyến cao tốc bắc-nam.

Trong bối cảnh sức ép về tiến độ thực hiện, giải ngân đang rất căng thẳng, tại các cuộc họp về tiến độ và công tác giải ngân trong từng tháng vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đều đặc biệt nhấn mạnh: Bất kỳ đơn vị nhà thầu nào không đáp ứng tiến độ sẽ bị cảnh cáo, khiển trách, thậm chí điều chuyển khối lượng, chấm dứt hợp đồng, nhất là tại các công trình trọng điểm như dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông.

Bộ trưởng cũng khẳng định, các ban quản lý dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ phải bổ sung đăng ký theo nhu cầu, quan điểm của Bộ là không hạn chế khối lượng đăng ký bổ sung.

Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu tập trung giải quyết, tổ chức thi công các hạng mục có khối lượng lớn trước mùa mưa; triển khai ngay việc tập kết nguyên vật liệu làm móng, mặt đường; chỉ đạo nhà thầu phát huy và duy trì nhịp độ thi công “3 ca, 4 kíp” để bảo đảm kế hoạch đề ra. Với các dự án phải gia tải, xử lý nền đất yếu, Ban Quản lý dự án/nhà thầu cần hoàn tất trước tháng 10/2024 để “cán đích” dự án cuối năm 2025. Các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu bố trí đầy đủ nhân lực thực hiện công tác nội nghiệp (hồ sơ hoàn công, nghiệm thu, thanh toán); cải cách thủ tục, giảm bớt các khâu để kịp thời giải ngân cho nhà thầu,…

Tính đến đầu tháng 8, tại các dự án đường cao tốc, giải phóng mặt bằng còn rất ngổn ngang. Dự án thành phần 1 và 2 Biên Hòa-Vũng Tàu qua Đồng Nai mới bàn giao đạt lần lượt 25% và 42%; Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh đạt 40%, qua Bình Dương đạt 89%; Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua Tuyên Quang đạt gần 76%; Đồng Đăng-Trà Lĩnh qua Lạng Sơn mới bàn giao 15%,...

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương sớm hoàn tất thủ tục, bàn giao toàn bộ mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật trong tháng 8 đối với các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025. Các tỉnh cần khẩn trương chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án theo quy định, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn.

Áp lực giải ngân đầu tư công ngành giao thông ảnh 3

Thi công lu lèn mặt đường.

Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường, theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Tiền Giang cần cung ứng gần 16 triệu m3 cát cho các dự án cao tốc, Bến Tre cần gần 7,4 triệu m3,... nhưng đến nay, việc triển khai các thủ tục chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Hai địa phương này đang triển khai thủ tục cấp mỏ nhưng khó có thể hoàn thành trong tháng 8 này.

Bộ đề nghị địa phương chỉ đạo các sở, ngành sớm hoàn thành thủ tục, đưa mỏ vật liệu vào khai thác cuối tháng 8/2024, nâng công suất khai thác, bảo đảm cung ứng đủ khối lượng, đáp ứng tiến độ thi công.

Phấn đấu giải ngân 100% vốn được giao

Năm 2024, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao 59.275 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ngoài ra, nguồn vốn được kéo dài giải ngân kế hoạch năm 2023 sang năm 2024 khoảng 3.329 tỷ đồng, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 8.680 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 cho bộ và bộ tiếp tục đề nghị bổ sung 3.300 tỷ đồng cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn, bổ sung khoảng 1.240 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Như vậy, tổng kế hoạch giải ngân năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải dự kiến khoảng 75.824 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các chủ đầu tư, dự kiến cả năm 2024, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 74.680 tỷ đồng, đạt 98,5% kế hoạch (4.428 tỷ đồng vốn ODA, 70.252 tỷ đồng vốn trong nước).

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư đánh giá, số vốn phải giải ngân các tháng cuối năm còn lớn (45.030 tỷ đồng), trong điều kiện một số dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mỏ vật liệu xây dựng tại một số dự án đến nay chưa xử lý dứt điểm, điều kiện thời tiết bất lợi cuối năm... sẽ tiềm ẩn thách thức đối với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024.

Áp lực giải ngân đầu tư công ngành giao thông ảnh 4

Nguồn vật liệu đắp nền đường cao tốc vẫn đang là "nút thắt" của giải ngân ngành giao thông.

Do vậy, để đáp ứng mục tiêu giải ngân 100% năm 2024, các chủ đầu tư cần nỗ lực cao hơn nữa để giải ngân hết nguồn vốn được giao. Vụ Kế hoạch-Đầu tư sẽ theo dõi tình hình giải ngân, kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ điều chuyển linh hoạt vốn từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao. Các đơn vị chức năng của bộ kịp thời xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.

Vụ Kế hoạch-Đầu tư đã họp với các chủ đầu tư và đơn vị liên quan, rà soát tình hình thực hiện kế hoạch năm 2024, nhu cầu kế hoạch năm 2025. Các chủ đầu tư đề xuất nhu cầu kế hoạch năm 2025 của ngành giao thông khoảng 77.624 tỷ đồng trên tổng số 104.513 tỷ đồng, tuy tăng khoảng 5.172 tỷ đồng so với trước nhưng kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 không sử dụng hết vẫn còn 26.889 tỷ đồng.

Vụ đề nghị các chủ đầu tư rà soát lại khả năng giải ngân kế hoạch năm 2024 trên cơ sở kế hoạch năm đã được Bộ trưởng Giao thông vận tải giao và kế hoạch dự kiến điều chỉnh, bổ sung để giải ngân 100% kế hoạch vốn cả năm của bộ theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng “năm 2024 phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công".

Với ý nghĩa, vai trò quan trọng của giải ngân đầu tư công năm 2025, Vụ Kế hoạch-Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư rà soát lại một cách chính xác nhu cầu kế hoạch năm 2025 trên nguyên tắc bảo đảm đủ vốn hoàn thành, thực hiện các dự án theo đúng tiến độ phê duyệt; các dự án đường cao tốc bắc-nam bảo đảm bố trí đủ kinh phí đầu tư hạng mục giao thông thông minh, thu phí không dừng, kiểm soát tải trọng xe và hoàn thành năm 2025; phấn đấu đăng ký nhu cầu giải ngân tối đa kế hoạch giai đoạn 2021-2025 còn lại trong kế hoạch năm 2025 của toàn bộ nguồn vốn đã được giao Thủ tướng Chính phủ giao và dự kiến giao.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/ap-luc-giai-ngan-dau-tu-cong-nganh-giao-thong-post824982.html

  • Từ khóa