Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành gỗ Việt Nam

Chủ nhật, 01.03.2020 | 09:24:45
543 lượt xem

Dịch Covid-9 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác sẽ khiến 2020 là một năm biến động đối với ngành gỗ.

Những tháng đầu năm 2020, thị trường thế giới chứng kiến nhiều biến động, trong đó đáng chú ý là dịch Covid-19 bùng phát, tác động lớn đối với ngành gỗ Việt Nam - một ngành có độ mở rất lớn.

Theo thống kê, có 184 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động trong ngành gỗ tại Việt Nam, trong đó có 93 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam.

dich covid-19 anh huong nang ne den nganh go viet nam hinh 1
Các doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam chịu ảnh hưởng đáng kể từ dịch. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) Đỗ Xuân Lập cho biết, dịch Covid-19 tác động lớn đến các nhà máy của Trung Quốc vận hành tại Việt Nam. Các nhà máy chưa được phép quay lại hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do chính sách phong toả của cả Việt Nam - Trung Quốc.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tôn Quyền – nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIFORES, 2020 là năm biến động đối với ngành gỗ, đặc biệt trước dịch Covid-19.

Đến nay thông tin về tác động của dịch Covid-19 còn chưa rõ ràng, tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, do Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam cả xuất khẩu và nhập khẩu, tác động của dịch tới ngành gỗ Việt Nam có thể nói là không thể tránh khỏi. 

“Việc tác động không chỉ trực tiếp tới các chuỗi cung của các mặt hàng giao dịch giữa hai quốc gia là dăm gỗ, gỗ tròn, xẻ, các loại ván mà còn cả tới các chuỗi cung ứng liên quan đến nguyên phụ liệu của ngành, cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành chế biến gỗ. Bên cạnh đó, các chính sách phong tỏa dịch của cả Việt Nam và Trung Quốc có tác động trực tiếp tới sự vận hành của các công ty đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Việt Nam”, ông Nguyễn Tôn Quyền lưu ý.

Dịch Covid-19 làm cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Điều này đang và sẽ tiếp tục gây ra tình trạng chậm trễ trong việc xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam sang thị trường này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã quyết định dừng dỡ hàng ở một số cảng và tăng cường biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng, bao gồm hàng vận chuyển bằng tầu biển. Điều này cũng gây ra khó khăn trong xuất khẩu dăm gỗ.

Ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh, thị trường nội địa của Việt Nam hiện đang có nhiều sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc. Với tác động của dịch Covid-19 có thể tạo ra những đứt gãy trong nhập khẩu các sản phẩm này vào Việt Nam. Điều này có thể tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt trong việc chiếm lĩnh thị trường.

Tới đây, khi xuất khẩu dăm gỗ giảm sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ trong nước để sản xuất ván nhân tạo, MDF, tạo ra giá trị gia tăng cao. Nhiều DN của ngành gỗ đã chuyển hướng, cụ thể hiện đã có 3 - 4 DN chuyên làm dăm xuất khẩu mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu, ông Quyền thông tin.

Nguyên Phó Chủ tịch VIFORES kiến nghị, nhà nước xem xét tạo điều kiện về lãi suất ưu đãi cho các DN bắt đầu chuyển hướng mua thiết bị để sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm dăm, viên nén…  để DN sớm hoàn thiện dây truyền sản xuất, nắm bắt cơ hội hiện nay.

Thừa nhận tác động từ dịch Covid-19 đến ngành gỗ, nhưng ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Công ty Scasia Pacific - cựu Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM có cái nhìn khá lạc quan. Ông Thắng cho rằng trong “nguy” vẫn có “cơ”.  

“Đây là cơ hội để các DN sẽ tái cơ cấu, củng cố lại nguồn lực để đón nhận những diễn biến của thị trường. Đồng thời, là cơ hội để các DN trong nước đầu tư vào sản xuất công nghiệp phụ trợ để hoàn thiện chuỗi cung ứng cho ngành gỗ và nội thất”, ông Thắng nói.


Trần Ngọc/VOV.VN 

https://vov.vn/kinh-te/dich-covid19-anh-huong-nang-ne-den-nganh-go-viet-nam-1015856.vov


  • Từ khóa