Làm giàu trên quê nghèo

Chủ nhật, 01.03.2020 | 15:16:52
532 lượt xem

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã khó, khởi nghiệp với loại cây trồng không phải thế mạnh của địa phương lại càng khó và độ rủi ro cao.

Thế nhưng, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Công Hậu, sinh năm 1996, ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), bước đầu thành công với mô hình trồng dâu tây từ niềm đam mê và áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến.

Sinh ra trong gia đình thuần nông nên Nguyễn Công Hậu sớm có ý thức đi theo con đường trồng trọt. Anh tốt nghiệp Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Khi nói về nông nghiệp ở Gia Lai thì ai cũng nghĩ ngay đến các loại cây chủ lực, như: Cà phê, tiêu, cao su, điều... Người dân địa phương chưa nghĩ đến việc trồng cây dâu tây để phát triển kinh tế vì lo sợ chất đất, khí hậu không phù hợp. Sau chuyến thực tập tốt nghiệp tại TP Đà Lạt, Nguyễn Công Hậu quyết tâm đưa cây dâu tây về trồng trên đất Gia Lai.

Làm giàu trên quê nghèo
Nguyễn Công Hậu trao đổi với thanh niên địa phương về kỹ thuật trồng cây dâu tây.

Được sự hỗ trợ của gia đình, Hậu đầu tư 500 triệu đồng xây dựng khu vườn trồng dâu tây bằng công nghệ cao với diện tích 1.000m2, trong đó có 500m2 nhà kính. Anh sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cho cả vòng tròn sinh thái khép kín của cây dâu tây từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, đóng hộp… Qua quá trình trồng thử nghiệm, sàng lọc, anh đã chọn được 5 loại giống dâu tây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Gia Lai. Mỗi ngày cho sản lượng 5-10kg với giá bán dâu tươi dao động 250-300 nghìn đồng/kg, là một khoản thu nhập không nhỏ ở vùng quê nghèo Chư Păh. Không chỉ khởi nghiệp thành công, chàng kỹ sư trẻ còn truyền cảm hứng, niềm đam mê làm nông nghiệp cho rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên đang theo học Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh khi đến thực tập.

Để đưa sản phẩm ra thị trường, hỗ trợ người dân trong vùng phát triển cây dâu tây, Nguyễn Công Hậu thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Tự nhiên HTP, chuyên cung cấp cây giống dâu tây, trái dâu tây tươi và tư vấn kỹ thuật cho các nhà vườn. Đây được xem như một hướng đi mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh.


Bài và ảnh: LỮ HỒNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lam-giau-tren-que-ngheo-611173


  • Từ khóa