Chú trọng phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn khu công nghiệp

Thứ 2, 21.10.2024 | 08:24:04
364 lượt xem

Mặc dù đã có sự quan tâm của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước, nhưng giáo dục mầm non tại địa bàn khu công nghiệp hiện nay vẫn đặt ra nhiều thách thức trong nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Do vậy, thời gian tới cần có chính sách cụ thể hơn để phát triển giáo dục mầm non từ việc đầu tư trường lớp đến huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn khu công nghiệp.

Giờ học của học sinh tại Trường mầm non Ngôi Sao Nhỏ, Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, tỉnh Bình Dương. (Ảnh MAI DUNG)


Hiện cả nước có 184 đơn vị cấp huyện thuộc địa bàn đô thị từ loại I đến loại III. Trong khi đó, cả nước có 431 khu công nghiệp được thành lập thuộc 59 tỉnh, thành phố, tạo việc làm cho khoảng 4,16 triệu lao động trực tiếp. Các khu công nghiệp đang hoạt động ở 221 đơn vị cấp huyện và quy hoạch phát triển giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030 phần lớn đều tập trung ở địa bàn các đô thị nêu trên, là nơi tập trung nhiều lao động và có nhu cầu cao về dịch vụ giáo dục mầm non, nhu cầu gửi trẻ của công nhân ngày càng tăng.

Chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu

Phó Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Thị Dinh cho biết, tại 221 đơn vị cấp huyện có khu công nghiệp, có 13.137 cơ sở giáo dục mầm non (3.612 trường công lập, 1.770 trường ngoài công lập và 7.755 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục). Các cơ sở giáo dục mầm non huy động được hơn 1,8 triệu trẻ em đến lớp; trong đó, tỷ lệ trẻ em là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp chiếm khoảng 21,5%. Trong đó, với đặc điểm tổ chức hoạt động linh hoạt về thời gian nhận, trả trẻ, học phí phù hợp nhu cầu của người lao động thu nhập thấp, địa điểm gần nơi ở trọ của công nhân, các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục là lựa chọn của phần đông công nhân nhập cư làm việc tại khu công nghiệp.

Những địa bàn tập trung đông dân cư, nơi có khu công nghiệp phát triển, đã có nhiều đề án, chính sách thúc đẩy đầu tư, huy động nguồn lực phát triển giáo dục mầm non, cơ bản đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, góp phần giảm bớt khó khăn đối với công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Lương Thị Biển chia sẻ, toàn tỉnh có 12 khu công nghiệp và 25 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng số hơn 294 nghìn lao động. Trong số 177 trường mầm non và 220 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục của tỉnh nuôi dạy 97.243 trẻ mầm non, trong đó 25.132 trẻ là con công nhân. Nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn khu công nghiệp đã được tỉnh ban hành như việc hỗ trợ học phí, lãi suất vay và mua sắm trang thiết bị...

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng để đáp ứng yêu cầu phát triển địa bàn đô thị, khu công nghiệp, công tác quy hoạch, phát triển cơ sở giáo dục mầm non chưa phù hợp nhu cầu của công nhân, người lao động. Theo bà Dinh, tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đến cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục chiếm 56,9% tại các khu công nghiệp nhưng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế, nhất là tình trạng thiếu sân chơi, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu; đội ngũ giáo viên còn hạn chế.

Đáng chú ý, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp còn bất cập, triển khai chưa đồng đều giữa các địa phương, khu vực. Ngay như ở Bắc Ninh, dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng thực tế cho thấy, các khu công nghiệp khi xây dựng không có quỹ đất dành cho các công trình phúc lợi cho người lao động, trong đó có trường mầm non. Trong khi đó, địa bàn có khu công nghiệp dân số cơ học tăng nhanh, các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng được kịp thời theo các chuẩn quy định; các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất chưa theo kịp việc phát triển nhanh về quy mô.

Xây dựng cơ chế tăng nguồn lực xã hội

Để giáo dục mầm non địa bàn đô thị, khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra, góp phần giảm bớt khó khăn cho công nhân, người lao động, nâng cao chất lượng giáo dục đòi hỏi nhiều giải pháp cụ thể từ các cấp, các ngành. Từ thực tiễn hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non khu công nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan, Trường mầm non tư thục Hoa Anh Đào, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, toàn trường có 40,1% số trẻ là con em công nhân theo học. Nhu cầu của phụ huynh gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi là khá lớn nhưng đều là người lao động có mức thu nhập thấp, nếu thu học phí cao quá thì phụ huynh không có khả năng chi trả. Trong khi đó, yêu cầu đội ngũ giáo viên chăm sóc lứa tuổi dưới 36 tháng rất cao, muốn tuyển dụng được thì phải trả lương tương xứng. Điều đó cho thấy sự khập khiễng giữa nhu cầu và kinh phí cho hoạt động nuôi dạy trẻ dưới 36 tháng tuổi ở các khu công nghiệp.

Vì vậy, bà Lan cho rằng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo và hướng dẫn chi tiết hơn đối với nhóm cơ sở mầm non nuôi dạy trẻ dưới 36 tháng tuổi ở khu công nghiệp, nhất là hỗ trợ về cơ sở vật chất, hướng dẫn và đào tạo chuyên sâu về tổ chức, quản lý trong phát triển nhóm lớp trẻ dưới 36 tháng tuổi. Đáng chú ý, cần có chính sách hỗ trợ đối với việc học nâng trình độ chuẩn của các cô giáo học tập nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ cho việc nuôi dạy trẻ, nhất là trẻ dưới 36 tháng tuổi.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Lương Thị Biển cho rằng, cần định hướng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp quan tâm, đầu tư cho phát triển các loại hình cơ sở giáo dục mầm non dành cho con em người dân trên địa bàn nói chung, trong đó có con công nhân của doanh nghiệp. Về phía Nhà nước cần đẩy nhanh ban hành chính sách đặc thù cho việc xây dựng trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, để giải quyết các vấn đề về quỹ đất cho giáo dục mầm non và các vấn đề liên quan quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng và hỗ trợ kinh phí cho con em công nhân đang làm việc trong khu công nghiệp.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà nước cần có thêm những chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non; đa dạng hóa loại hình, mô hình cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp. Cần tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp xây dựng trường mầm non hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận. Về phía các địa phương, cần triển khai nhân rộng các mô hình giáo dục mầm non chất lượng, hiệu quả tại địa bàn các đô thị, khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, Bộ sẽ tiếp tục có những khảo sát, đánh giá đúng và sâu sát hơn nữa, trong bối cảnh các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị có nhiều thay đổi từng ngày, làm sao để những người có thu nhập thấp được tiếp cận với những chính sách, dịch vụ phù hợp nhu cầu thiết thực của người lao động.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chu-trong-phat-trien-giao-duc-mam-non-o-dia-ban-khu-cong-nghiep-post837755.html

  • Từ khóa