Bị phạt mức án tử hình về tội Tham ô tài sản, bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại.
Ngày 23/10, TAND Cấp cao tại TPHCM ban hành quyết định xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) cùng 47 bị cáo khác về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục hầu tòa. (Ảnh: Hải Long).
Theo quyết định xét xử, phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra vào ngày 4/11, kéo dài tới ngày 25/11 do bà Huỳnh Thanh Duyên làm chủ tọa phiên tòa.
Hồi tháng 4, TAND TPHCM xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù tội Đưa hối lộ và tử hình tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt bị cáo Lan phải chấp hành là tử hình.
85 đồng phạm còn lại bị phạt mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến tù chung thân.
Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay là 677.800 tỷ đồng.
Sau phán quyết trên, bà Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại. Ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), Trương Huệ Vân (cháu bà Lan), Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang), Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN) cùng 43 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài ra, bị hại là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB); người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như: Công ty Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Sơn Hoa, Công ty T&H Hạ Long, Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh... có kháng cáo.
Ông Nguyễn Cao Trí kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. (Ảnh: Hải Long).
Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng nhiều công ty khác hoạt động theo mô hình tập đoàn lấy Vạn Thịnh Phát làm trọng tâm, kiểm soát hoạt động của các công ty còn lại.
Dù bà Lan không nắm giữ các chức vụ tại SCB nhưng bị cáo gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần của ngân hàng nên bị cáo Lan có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng này và trở thành người quyết định cao nhất tại ngân hàng SCB.
Lợi dụng vai trò là cổ đông gần như tuyệt đối của SCB, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo SCB như: Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch SCB), Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc SCB), Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB)… rút tiền ra khỏi SCB để phục vụ mục đích của mình gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Bà Trương Mỹ Lan. (Ảnh: Hải Long).
Ngoài ra, để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém cùng hàng loạt các sai phạm trong hoạt động cấp tín dụng của SCB đã bị phát hiện qua thanh tra, để được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép tái cơ cấu, thực hiện huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân và thực hiện hoạt động cấp tín dụng, bị cáo Trương Mỹ Lan đã trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn nhiều lần trực tiếp đưa tổng cộng 5,2 triệu USD.
Bản án sơ thẩm cũng xác định, bị cáo Trương Huệ Vân, trong khoảng thời gian từ ngày 9/11/2020 đến ngày 7/10/2022 đã giúp Trương Mỹ Lan hợp thức việc rút tiền của SCB để sử dụng bằng cách chỉ đạo Nguyễn Phi Long thành lập, sử dụng 52 công ty không có hoạt động kinh doanh đồng thời lập các phương án kinh doanh không có thật để hợp thức 155 hồ sơ vay vốn khống tại SCB, giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB số tiền 1.088 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền 25,2 tỷ đồng.
Đối với chồng bị cáo Lan là Chu Lập Cơ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Times Square, đã ký các biên bản, quyết định Đại hội đồng cổ đông của Công ty Times Square với nội dung thế chấp tài sản của Công ty Times Square hợp thức cho 73 hồ sơ vay vốn trái quy định tại SCB, tạo điều kiện để Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB sử dụng, gây thiệt hại 9.116 tỷ đồng.
Theo dantri.com.vn