Đổi mới công tác giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần cơ chế hiệu quả hơn

Thứ 6, 29.11.2024 | 14:54:23
351 lượt xem

Trong bối cảnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hiện nay, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới công tác giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, bổ sung cơ chế phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi pháp luật và kiểm soát quyền lực.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. (Ảnh: DUY LINH)

Đẩy mạnh đổi mới công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp

Sáng 29/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) bày tỏ tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để khắc phục những hạn chế, vướng mắc của luật hiện hành đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp…

Về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, yêu cầu vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện, vừa là đòi hỏi bắt buộc các lĩnh vực khác có liên quan phải cùng tham gia vào.

Quốc hội có 3 chức năng cơ bản là xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Công tác đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đòi hỏi giám sát phải đổi mới theo và việc quyết định các vấn đề cơ bản của đất nước cũng phải đổi mới theo.

Do đó, đại biểu thống nhất lựa chọn phương án 1 trong dự thảo là bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 của Điều 3: Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Đổi mới công tác giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần cơ chế hiệu quả hơn ảnh 1

Đại biểu Hà Phước Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: DUY LINH)

Liên quan đến khoản 6 Điều 1 của dự thảo luật sửa đổi khoản 2 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát về thời gian xem xét báo cáo của Quốc hội, đại biểu Hà Phước Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành theo khoản 2 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát để bảo đảm tính thời sự, đồng bộ trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội.

Đại biểu Hà Phước Thắng cho rằng, ở cuối kỳ họp, để thông qua các chỉ tiêu, giải pháp, mục tiêu về kinh tế-xã hội của năm sau, chúng ta phải đồng thời xem xét những vấn đề quan trọng về công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, về tình hình tội phạm, về giải quyết kiến nghị của cử tri…, từ đó có số liệu đồng bộ để quyết định những vấn đề năm sau của đất nước.

Tạo thuận lợi cho việc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tô Ái Vang cho biết, tại Tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cho thấy còn 4 vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án này.

Đổi mới công tác giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần cơ chế hiệu quả hơn ảnh 2

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Đưa ra quan điểm về những vấn đề này, đại biểu tán thành với phương án xác định bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là mục tiêu hướng đến của hoạt động giám sát, không phải là nguyên tắc.

Đại biểu nêu rõ, tại khoản 32 Điều 1 của dự thảo luật có sửa đổi, bổ sung Điều 52 của luật hiện hành. Theo đó, việc quy định cứng Đoàn giám sát tại địa phương phải có ít nhất 3 đại biểu là thành viên đoàn rất khó khả thi.

Thực tế đã có những lúc Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh chỉ còn 1 hoặc 2 đại biểu Quốc hội của địa phương, vì do yêu cầu của công tác cán bộ. Nếu mời đại biểu Quốc hội từ Trung ương về tham gia giám sát ở địa phương thì sẽ bị động về mặt thời gian. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát quy định này cho hợp lý.

Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ chuyên môn, cung cấp thông tin, kinh phí tổ chức hoạt động giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát cho đại biểu Quốc hội khi tiến hành giám sát.

Đổi mới công tác giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần cơ chế hiệu quả hơn ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu góp ý, đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân (Bình Dương) cho biết, qua thực tiễn hoạt động giám sát tại địa phương, Hội đồng nhân dân nhiều nơi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung mở rộng đối tượng giám sát tại Điều 5 của Luật hiện hành, cụ thể: Hội đồng nhân dân được quyền giám sát hoạt động của cơ quan Trung ương tại địa phương như: Cục thuế, hải quan, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng nhà nước cùng cấp…

Đồng thời kiến nghị xem xét bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân được quyền chất vấn người đứng đầu các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương hoạt động tại địa phương…

Đại biểu nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền, và các cơ quan, tổ chức khác trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật, đều phải triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh do Hội đồng nhân dân quyết nghị, trong đó, các cơ quan ngành dọc của Trung ương tại địa phương phải thực hiện như: Thu thuế, bảo hiểm xã hội, các biện pháp bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện các chính sách về tài chính, kinh tế, môi trường, xã hội do Hội đồng nhân dân ban hành…

Đại biểu nêu rõ, trong bối cảnh phân cấp, phân quyền mạnh như hiện nay, Hội đồng nhân dân được giao thẩm quyền nhiều hơn trong ban hành các chính sách, hỗ trợ về cơ sở vật chất, tiền công, phụ cấp cho các đối tượng xã hội, cho lực lượng quốc phòng, an ninh; hỗ trợ cấp ngân sách cho các ngân hàng chính sách xã hội; kinh phí đầu tư các dự án và hỗ trợ hoạt động cho các cơ quan trung ương tại địa phương.

“Quy định chính thức việc Hội đồng nhân dân được giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước cùng cấp thuộc Trung ương, đóng chân trên địa bàn, nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước tại địa phương. Qua đó, giúp cho chính quyền trung ương quản lý tốt việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương, vừa bảo đảm các định hướng, mục tiêu trung ương giao cho địa phương được thực thi hiệu quả. Với cơ chế kiểm soát của Hội đồng nhân dân buộc các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm giải trình, cam kết hành động trước cơ quan đại diện của nhân dân”, đại biểu nhấn mạnh.

Đổi mới công tác giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần cơ chế hiệu quả hơn ảnh 5

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH)

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trong giai đoạn soạn thảo, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội về định hướng đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã xác định rõ quan điểm xây dựng luật, cơ bản thế hiện trong nội dung Tờ trình dự án luật, luật chỉ quy định những vấn đề chung, vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc thẩm quyền của Quốc hội để bảo đảm tính ổn định của dự án luật.

Những vấn đề biến động thường xuyên, chưa ổn định thì giao các cơ quan chức năng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi luật, bắt kịp xu hướng mới, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động giám sát.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, sau kỳ họp này, Hội đồng Dân tộc sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/doi-moi-cong-tac-giam-sat-cua-quoc-hoi-va-hoi-dong-nhan-dan-can-co-che-hieu-qua-hon-post847638.html

  • Từ khóa