Bước nhảy vọt của ngành hàng rau quả

Thứ 4, 04.12.2024 | 09:21:05
104 lượt xem

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo cả năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 7,2 tỷ USD - con số kỷ lục từ trước tới nay, cao hơn 1,6 tỷ USD so với năm 2023. Bước nhảy vọt này đang mở ra chặng đường phát triển mới cho ngành hàng rau quả trong những năm tiếp theo trên hành trình hướng tới kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.

Sơ chế, đóng gói rau trồng theo phương pháp thủy canh tại nông trường VinEco Tam Đảo. (Ảnh ĐỨC AN)

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt xa kim ngạch cả năm 2023. Với kim ngạch nhập khẩu đạt sơ bộ hơn 2,1 tỷ USD, rau quả đã xuất siêu gần 4,5 tỷ USD.

Thị trường rộng mở

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng khả quan, trong đó khai thác tốt nhiều thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, UAE. Đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả vẫn phải kể đến sản phẩm sầu riêng với thị trường chủ lực là Trung Quốc.

Tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đạt gần 618.000 tấn, trị giá 2,45 tỷ USD, tăng 72,2% về lượng và tăng 57,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam khoảng 3.962 USD/tấn. Riêng tháng 9/2024, Việt Nam vượt qua Thái Lan, trở thành nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc, lượng đạt xấp xỉ 177.000 tấn, trị giá 640,72 triệu USD, tăng 90% về lượng và tăng 71,5% về trị giá so với tháng 9/2023.

Trong khi đó, tại Mỹ, nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, nhất là trái dừa và chanh leo. Theo đó, Mỹ tăng mạnh nhập khẩu dừa từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024 với mức tăng 1.155,6% về lượng và tăng 933,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 3.860 tấn, trị giá 3,94 triệu USD. Thị phần dừa của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 0,76% trong 8 tháng đầu năm 2023 lên 8,59% trong 8 tháng đầu năm 2024. Việc đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ phía thị trường Mỹ đã mở ra triển vọng mới cho ngành dừa Việt Nam.

Với thị trường Australia, trong tháng 10/2024, hơn 1,5 tấn chanh leo đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường này, mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng rau quả Việt Nam. Australia hiện đang thuộc tốp 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. “Trong tháng 12/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ vẫn khả quan do yếu tố mùa vụ. Mặc dù sầu riêng chính vụ đã kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn còn hàng trái vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao dịp cuối năm. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng rau, củ, quả và sản phẩm chế biến khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến tiếp tục vượt con số 1 tỷ USD” - Ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.

Bước nhảy vọt của ngành hàng rau quả ảnh 1

Chế biến hoa quả tươi và thảo dược tại nhà máy của Tập đoàn TH (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). (Ảnh TUỆ LINH)

Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group Nguyễn Phong Phú cho rằng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả nói chung và trái cây nói riêng đang đứng trước thời cơ lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường thế giới về nguồn hàng này ngày càng cao, trong khi Việt Nam đang làm rất tốt công tác mở cửa thị trường. Với việc chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, cánh cửa thị trường lớn đã mở ra cho hai loại mặt hàng chủ lực của ngành rau quả.

Mặt khác, chất lượng hàng trái cây của Việt Nam cũng ngày càng được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn của từng quốc gia nhập khẩu nên đã tăng khả năng cạnh tranh khi thâm nhập vào nhiều thị trường chất lượng cao. Vina T&T Group hiện có 5 nhà máy sản xuất đóng gói, xuất khẩu khoảng 1.500 tấn trái cây/tháng. Với công nghệ cấp đông tiên tiến, trái cây có thể giữ nguyên hương vị tươi ngon trong suốt quá trình vận chuyển, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường.

Nâng cao chất lượng, tăng cường chế biến

Theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam có thể vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu sầu riêng số 1 vào thị trường Trung Quốc trong vài năm tới.

Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho rằng: Việc gia tăng diện tích, sản lượng sầu riêng thời gian qua tạo nguồn cung quả tươi lớn, dồi dào cho xuất khẩu. Đáng chú ý, với khả năng sản xuất rải vụ thu hoạch, có thể cung cấp quả tươi hàng hóa thời gian dài, nhiều thời vụ trong năm; nhất là thời gian từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 2, 3 năm sau khi các nước khác không có sản phẩm thu hoạch, đã tạo ra lợi thế mùa vụ trong xuất khẩu sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên, việc “tăng trưởng nóng” về diện tích, sản lượng sầu riêng có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, về lâu dài sẽ gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nên cần có sự kiểm soát kịp thời.

Cùng với việc bảo đảm chất lượng thì các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu chế biến, tập trung vào chế biến sâu, vừa nâng cao giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ như xuất khẩu tươi. Hiện nay, sản lượng rau quả tươi được chế biến vẫn còn ít trong khi sản lượng thu hoạch hằng năm rất lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp tại các thị trường, khu vực thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm chế biến như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…

Bên cạnh đó, để tăng tốc hơn nữa kim ngạch xuất khẩu rau quả trong thời gian ngắn thì cần thiết phải khai thác thêm các thị trường tiềm năng. Cuối tháng 10/2024 vừa qua, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) đã được ký kết tạo cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang UAE cũng như các nước khu vực Trung Đông và châu Phi. Đây là khu vực thị trường có nhu cầu cao về nguồn nông sản, thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo, trong đó các sản phẩm rau quả có lợi thế lớn. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin thị trường, quy trình sản xuất, các quy định, chứng nhận sản phẩm Halal để sớm tiếp cận và khai thác thị trường vô cùng màu mỡ này.

Đối với các thị trường truyền thống, nhất là thị trường trọng điểm Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri cho biết, hiện nay nhu cầu rau quả từ Việt Nam của thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Nhiều rau quả vụ đông của miền bắc Việt Nam được bạn hàng Trung Quốc tìm kiếm, mong muốn nhập khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các loại rau củ này vẫn chưa được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc nên quá trình đàm phán với đối tác và triển khai xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện được. Thực tế đó cho thấy cần ký kết thêm các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng rau quả khác để phát huy hết lợi thế của Việt Nam với thị trường nông sản rộng lớn như Trung Quốc.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/buoc-nhay-vot-cua-nganh-hang-rau-qua-post848371.html

  • Từ khóa