Hiện nay trái cây nhập khẩu không chỉ được bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu, mà còn được bày bán tại các khu chợ dân sinh và cả trên mạng xã hội với những lời giới thiệu, chào bán hấp dẫn. Tuy nhiên, sự chênh lệch về chất lượng, giá cả và sự thiếu minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ của các ngành chức năng.
Nhiều loại trái cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tại các chợ ở Hà Nội. (Ảnh SƠN TÙNG) |
Trước đây, hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand, Australia hay Hàn Quốc… rất khó tìm mua và giá khá đắt, chủ yếu dành cho những người thu nhập cao, hoặc những người có nhu cầu biếu tặng. Hoa quả nhập ngoại phần lớn được bán tại các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng nhập khẩu, trung tâm thương mại với mức giá tiền triệu. Thế nhưng hiện nay, hoa quả gắn mác nhập khẩu lại được bày bán "bình dân" ở các cửa hàng, chợ dân sinh, chợ tạm và trên các nền tảng mạng xã hội.
Ở các trang bán hàng nông sản online, hình ảnh trái cây nhập từ nước ngoài cũng được giới thiệu tràn lan. Chủ trang bán hàng còn trưng cả tem nhãn, có loại giá trị lên đến hàng triệu đồng/kg vẫn rất được người tiêu dùng đặt mua nhiều. Để chứng minh hoa quả có nguồn gốc từ nước ngoài, nhiều người bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội thường tường thuật việc nhận hàng trực tiếp từ sân bay hoặc "khoe" hình ảnh vườn cây để củng cố lòng tin của người tiêu dùng. Về chất lượng, trái cây nhập khẩu luôn được cam kết rằng 100% tự nhiên, sạch và an toàn cho sức khỏe.
Thường xuyên dùng hoa quả nhập từ nước ngoài, chị Hoàng Lan (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, chị thường xuyên mua hoa quả nhập khẩu, hoặc hoa quả sạch để làm quà biếu và để gia đình sử dụng. Ban đầu chị hay mua ở siêu thị và các cửa hàng nhập khẩu lớn, nhưng giá tương đối cao. Về sau, chị thường mua ở chợ gần nhà, vì thấy cùng loại trái cây và cùng loại tem nhãn, nhưng giá rẻ hơn, chỉ bằng 2/3 giá trị các shop hoa quả.
Cũng lo ngại như chị Lan, chị Thu Hương (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, hiện nay các loại quả như táo, lê, lựu, nho dán tem nhãn nước ngoài được bày bán khắp nơi, với giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg. Nhưng điều khiến chị Hương lo lắng nhất đó là chất lượng và độ an toàn của hoa quả không được kiểm chứng. Không riêng chị Lan và chị Hương, phần lớn người tiêu dùng khi lựa chọn mua hoa quả nhập khẩu đều đặt niềm tin vào tem mác xuất xứ trên chủng loại trái cây. Lợi dụng điều này, một số đơn vị kinh doanh đã dán tem mác giả để lừa dối khách hàng…
Theo lãnh đạo Sở Công thương, thành phố Hà Nội có số dân hơn 10,7 triệu người, sinh sống, học tập, làm việc cho nên nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn là rất lớn, trong đó trái cây là một trong những sản phẩm được nhiều người dân mua sắm và tiêu dùng hằng ngày. Ước tính, mỗi tháng, nhu cầu tiêu thụ trái cây trên địa bàn thành phố khoảng 52.000 tấn, trong đó, 70% là nhập khẩu từ nước ngoài và cung ứng từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Do sự phát triển ồ ạt của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, xuất hiện tình trạng một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng uy tín của những loại trái cây nhập khẩu, trà trộn những loại cùng tên, giống về hình dáng để bán. Từ đó kéo theo tình trạng xuất hiện những loại trái cây không rõ nguồn gốc, lượng tồn dư chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Trước thực trạng này, nhiều năm qua, Hà Nội đã quyết tâm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, cũng như nâng cao năng lực kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) và xóa bỏ các địa điểm kinh doanh trái cây không an toàn.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 328/KH-UBND ngày 18/11/2024 về việc triển khai Đề án Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025. Theo đó, nội dung đề án là nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, điều kiện an toàn thực phẩm; xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây tự phát không bảo đảm điều kiện ATTP và trật tự đô thị.
Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể kinh doanh trên địa bàn thành phố và nhận thức của người tiêu dùng, tạo thói quen mua sắm tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện, không mua trái cây tại các điểm kinh doanh không rõ nguồn gốc và không bảo đảm chất lượng. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh trái cây tại các tuyến phố và khu dân cư thuộc thành phố chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP…
Cùng với việc thực hiện kế hoạch của UBND thành phố trong kiểm tra, giám sát, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật cũng như giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ... các ngành chức năng và các địa phương cần thúc đẩy các hoạt động giám sát cảnh báo nguy cơ mất ATTP.
Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh trái cây đủ điều kiện ATTP, cũng như cấp biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây bảo đảm điều kiện quy định. Điều quan trọng nhất là triển khai đồng bộ hệ thống giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh với cộng đồng; đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, trước hết vì sức khỏe của chính mình.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/kiem-soat-chat-nguon-goc-trai-cay-nhap-khau-post848573.html