Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Thứ 2, 06.01.2025 | 14:44:09
192 lượt xem

Giai đoạn 2020-2024, hàng chục nghìn dự án khởi nghiệp của sinh viên ra đời, với hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ được thành lập. Tuy nhiên, số doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn từ các nhà đầu tư lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này đang đặt ra yêu cầu về những cầu nối thực chất, hiệu quả để đưa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gần hơn với nguồn vốn đầu tư, cơ hội nâng cao kỹ năng trước khi bước ra thị trường đầy sóng gió hiện nay.

Đại diện dự án Awake Drive giới thiệu về sản phẩm tại Cuộc thi "Bệ phóng khởi nghiệp" lần thứ hai, năm 2024.

Những dự án táo bạo

Nhận thức được sự nguy hiểm khôn lường từ tai nạn giao thông do lái xe ngủ gật gây ra, một nhóm sinh viên từ Đại học Bách khoa, Trường đại học Kinh tế quốc dân và Trường đại học Ngoại thương đã nghiên cứu, sáng tạo một hệ thống giám sát và duy trì độ tỉnh táo của người lái xe bằng công nghệ sóng não.

Nguyễn Tuấn Đạt (Khoa Công nghệ thông tin Việt Nhật, Đại học Bách khoa Hà Nội), thành viên phụ trách mảng nghiên cứu của nhóm dẫn một số thống kê cho biết, vấn đề thiếu tỉnh táo ở người lái xe đang ở mức báo động, tỷ lệ thuận với số lượng ô-tô lưu thông đang gia tăng nhanh chóng.

Cụ thể, 60% số người lái xe cảm thấy buồn ngủ khi điều khiển ô-tô và tới 40% thừa nhận từng ngủ gật sau tay lái. Không ít người đã lựa chọn sử dụng các loại chất kích thích khác nhau để đối phó. Tuy nhiên, kể cả không nằm trong danh mục bị cấm, mọi loại chất kích thích đều thiếu tính bền vững và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Những trăn trở nêu trên được giải đáp khi Tuấn Đạt gặp Trần Văn Lực (Khoa Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội). Lúc này, Lực cũng đang ấp ủ ước mơ tạo nên những thiết bị sử dụng sóng não để điều khiển mọi thứ trong cuộc sống. Hai bạn trẻ đã tập hợp một nhóm sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính để nghiên cứu cho ra đời hệ thống Awake Drive (tạm dịch: Tỉnh táo lái xe).

Hệ thống có hai phần chính: Thiết bị đo sóng não người dùng truyền dữ liệu qua kết nối bluetooth và ứng dụng thông minh giúp phân tích dữ liệu để phát nhịp isochronic (âm thanh đồng nhất). Tưởng chừng đơn giản, nhưng toàn bộ hệ thống đã phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm, cải tiến trong gần ba năm mới có thể trở thành sản phẩm thực tiễn.

Trần Văn Lực cho biết: Awake Drive sử dụng sóng não phát hiện sớm cơn buồn ngủ, sau đó phát âm thanh cuốn hút sóng não, giúp lái xe trở lại trạng thái tỉnh táo thay vì cảnh báo bằng âm thanh đột ngột như một số giải pháp tức thời gây mất an toàn hiện nay.

"Trên thị trường có nhiều loại xe tích hợp camera giám sát và cảnh báo buồn ngủ, tuy nhiên thường thuộc phân khúc cao cấp, sang trọng. Một số thiết bị đeo tai cảnh báo buồn ngủ dựa trên nguyên lý thay đổi góc nghiêng đầu của lái xe lại chỉ hoạt động khi người sử dụng đã rơi vào trạng thái buồn ngủ. Trong khi đó, với giá thành chỉ bằng một nửa cùng chính sách cho thuê thiết bị linh hoạt, Awake Drive sở hữu tiềm năng khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường. Chúng tôi ước tính tổng doanh thu tại Việt Nam có thể đạt một triệu USD, với thị phần mục tiêu trong ba năm đầu là 10%, tương đương khoảng 384 nghìn thiết bị bán ra", trưởng nhóm Trần Văn Lực cho biết.

Với những điểm mạnh nêu trên, nhóm bạn trẻ cũng đã mạnh dạn mang sản phẩm đi thử sức, giành giải cao ở hàng loạt đấu trường công nghệ trẻ cấp trường đại học. Trên đà thành công, nhóm tiếp tục tham gia Cuộc thi "Bệ phóng khởi nghiệp" (Startup Launchpad) lần thứ hai do Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội tổ chức cuối tháng 12/2024 vừa qua.

Trước Hội đồng Giám khảo gồm nhiều chuyên gia, doanh nghiệp uy tín, các thành viên dự án Awake Drive đã tự tin bảo vệ ý tưởng táo bạo, với hàng loạt chiến lược cụ thể về triển khai sản phẩm ra thị trường, kỹ năng gọi vốn, nghiên cứu thị hiếu khách hàng, phương pháp quản lý tài chính… để xuất sắc giành giải nhất cuộc thi.

Dự án "Easy-Comm - Nền tảng giao tiếp hỗ trợ cho người khiếm thính" của nhóm sinh viên Trường đại học Mở Hà Nội cũng có bề dày thành tích ở nhiều sân chơi khởi nghiệp trẻ ở cả trong nước và nước ngoài. Dự án tập trung xây dựng một nền tảng giao tiếp hỗ trợ người khiếm thính với công nghệ nhận diện, chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành văn bản bằng camera điện thoại, laptop.

Trưởng nhóm phát triển dự án Ngô Duy Đông cho biết: Trên thị trường hiện nay có một số phần mềm, ứng dụng thông minh dịch ngôn ngữ ký hiệu thành văn bản, tuy nhiên cần có camera chuyên dụng và thiết bị đặc biệt kèm theo khiến chi phí tăng cao, hạn chế khả năng tiếp cận của người dùng. Trong khi đó, Easy-Comm vừa cung cấp dịch vụ miễn phí cho người khiếm thính tại Việt Nam, vừa hỗ trợ dịch hai chiều, lại sử dụng nhiều công nghệ hiện đại như học sâu, trí tuệ nhân tạo.

Đối tượng khách hàng chính của dự án đầy triển vọng là khoảng 2,5 triệu người khiếm thính tại Việt Nam và doanh nghiệp, tổ chức có nhân viên, người lao động khiếm thính, các trường học, tổ chức hỗ trợ người khuyết tật. Để tiếp cận khách hàng, nhóm bạn trẻ lựa chọn hai kênh phân phối chủ lực gồm trang web chính thức và nền tảng ứng dụng di động thông minh.

Dự kiến, với chi phí đầu tư từ 50-70 nghìn USD và mức lợi nhuận năm đầu tiên đạt 60-120 nghìn USD, lợi nhuận ròng đã trừ chi phí sau ba năm lên tới 90-120 nghìn USD, sản phẩm cam kết tái đầu tư vào các chương trình xã hội để tạo lợi ích bền vững cho cộng đồng. Easy-Comm sẽ tập trung triển khai tại Việt Nam trong giai đoạn đầu, nhất là các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó sẽ mở rộng ra khu vực Đông Nam Á và tiến tới thị trường toàn cầu.

Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp ảnh 1
Các thành viên dự án "Easy-Comm - Cánh cửa tương lai" thuyết trình về sản phẩm tại vòng chung kết cuộc thi.

Cần thêm các "bệ phóng" khởi nghiệp

Theo Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng, Cuộc thi Bệ phóng khởi nghiệp là hoạt động của tuổi trẻ Thủ đô nhằm thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về việc "Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025". Vì vậy, điều kiện đầu tiên để có thể lọt vào vòng sơ loại cuộc thi là các đội tuyển phải từng giành giải cao ở những sân chơi khởi nghiệp cấp trường đại học và tương đương.

Cuộc thi không chỉ là nơi tranh tài khởi nghiệp, sáng tạo của sinh viên Thủ đô mà còn trở thành cầu nối giữa những ý tưởng, dự án xuất sắc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, trung tâm "ươm mầm" để tạo nguồn sinh lực cho các nhà khởi nghiệp trẻ.

"Việt Nam đang chuẩn bị bước vào một kỷ nguyên mới, đòi hỏi thanh niên, sinh viên phải dám nghĩ lớn, làm lớn và tự tin vượt qua giới hạn bản thân. Vì vậy, các bạn trẻ cần tận dụng triệt để nền tảng khoa học-công nghệ để mạnh dạn tiến bước trên con đường đổi mới sáng tạo, đứng vào vị trí trung tâm của tiến trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước", đồng chí Nguyễn Tiến Hưng kỳ vọng.

Bà Đỗ Thị Kim Liên, thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi, cho rằng: Qua mỗi vòng tranh tài, các bạn trẻ lại có thêm cơ hội thể hiện tinh thần đổi mới, ước mơ làm giàu chính đáng bằng chính trí tuệ, kỹ năng và sức lực bản thân. Nhìn từ góc độ tổ chức, cuộc thi đã khơi dậy tiềm năng, tạo điều kiện nuôi dưỡng, phát triển nhiều ý tưởng độc đáo, góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, xây dựng một thế hệ doanh nhân bản lĩnh. Ban tổ chức đã khéo léo biến cuộc thi thành một hành trình kết nối những thí sinh đầy đam mê với nhà đầu tư, chuyên gia để giúp các bạn trẻ được bồi đắp sự tự tin vươn xa, biến ý tưởng thành hiện thực.

Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, giai đoạn 2020-2024, có gần 40 nghìn dự án khởi nghiệp của sinh viên và hơn 300 doanh nghiệp khởi nghiệp do các trường đại học ươm tạo. Tuy nhiên, số doanh nghiệp khởi nghiệp gọi được vốn từ các nhà đầu tư lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, với số vốn lớn nhất gọi được khoảng một tỷ đồng/dự án.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/ho-tro-hoc-sinh-sinh-vien-khoi-nghiep-post854593.html


  • Từ khóa