Chuyên gia Brandon N Sinkovic nhận định, năng lực tiếng Anh của học sinh Việt Nam thấp vì "học" mà không sử dụng.
Chuyên gia Brandon N Sinkovic hiện là Giám đốc học thuật của một trung tâm Anh ngữ và có kinh nghiệm 9 năm giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Ông cho rằng, vấn đề lớn nhất ngăn cản học sinh Việt Nam tiếp thu tiếng Anh là việc bị buộc phải tiếp cận như một môn học chứ không phải một ngôn ngữ.
"Các bạn học về tiếng Anh trong lớp, nhưng hầu như không có bất kỳ cơ hội nào để sử dụng ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp.
Cách tiếp cận này có thể được ví như một cầu thủ bóng đá học cách chơi bóng chỉ qua việc xem trận đấu trên tivi, nhưng lại không bao giờ bước ra sân cỏ. Làm sao một người có thể học ngôn ngữ mà không bao giờ sử dụng nó?", ông Brandon nói.
Theo trích dẫn số liệu của Cambridge về thang CEFR (khung tham chiếu châu Âu) cho các giáo viên dạy ngôn ngữ, học sinh cần khoảng 200 giờ học có hướng dẫn bằng ngôn ngữ mục tiêu để nâng cao một cấp độ CEFR.
Giáo viên Trường Marie Curie dạy tiếng Anh chính khóa miễn phí cho học sinh tại Mèo Vạc (Ảnh: Trường Marie Curie).
Với số giờ học có hạn trong trường học và sự thiếu hụt môi trường ngôn ngữ, phần lớn học sinh Việt Nam không có đủ thời gian tiếp xúc với tiếng Anh để đạt được yêu cầu cấp độ như lộ trình nêu trên.
Một vấn đề khác mà ông Brandon chỉ ra là học sinh có ít cơ hội để nói hoặc viết. Trong một lớp học có 40-50 học sinh, việc luyện nói thường bị biến thành một bài diễn thuyết, vô tình gây nên tâm lý lo lắng, sợ nói của học sinh.
Việc học sinh phải tham gia các lớp học tiếng Anh không tương thích với trình độ cũng khá phổ biến. Đặc biệt với các lớp học đông, các học sinh có trình độ khác nhau học chung cùng một chương trình.
Điều này khiến học sinh trình độ cao cảm thấy chán nản và bị đình trệ, trong khi học sinh yếu hơn lại cảm thấy quá tải và nản chí.
Mô hình trung tâm Anh ngữ có thể giải quyết các vấn đề của việc dạy tiếng Anh trong nhà trường nhưng lại có vấn đề ở chi phí và khả năng tiếp cận, nhất là với học sinh ở xa thành phố lớn.
Một giải pháp được nhiều trường học thực hiện là kết hợp với các trung tâm Anh ngữ uy tín để đưa chương trình giảng dạy hiện đại của trung tâm vào nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và tiết kiệm chi phí. Song, ông Brandon thừa nhận, dù chi phí rẻ hơn trung tâm, đó vẫn là con số không phải học sinh nào cũng tiếp cận được.
Cần "4 nhà" chung tay để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh
Tại hội nghị triển khai kế hoạch thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy học ngoại ngữ giữa nội thành và ngoại thành diễn ra sáng 9/1, ông Phạm Quốc Toản - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội - cho biết, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ của Hà Nội nhiều năm qua là một đồ thị hình yên ngựa với 2 đỉnh.
Một đỉnh của đồ thị nằm ở mốc 8, 9 điểm và một đỉnh xấp xỉ 5 điểm. Điều này cho thấy có khoảng cách lớn trong việc học tiếng Anh của học sinh nội thành và học sinh ngoại thành.
Để kéo 2 đỉnh lại gần nhau, hướng đến trở thành đồ thị một đỉnh hình chuông, ngành giáo dục và đào tạo thủ đô cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, Sở nhấn mạnh vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy, triển khai các phần mềm học tập tiên tiến, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ tự học, tổ chức các lớp học trực tuyến với giáo viên bản ngữ, khuyến khích học sinh tự học ngoại ngữ qua nền tảng công nghệ, thúc đẩy hợp tác và chia sẻ tài nguyên học tập giữa giáo viên nội và ngoại thành, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ hiện đại để dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường…
Theo kế hoạch, từ tháng 1, Sở GD&ĐT Hà Nội tập trung triển khai thí điểm mô hình cặp trường kết nghĩa giữa một trường nội thành và một trường ngoại thành, xây dựng các lớp học mẫu, và phong trào "Tháng tự học" khuyến khích học sinh tự học ngoại ngữ. Từ tháng 6, nhân rộng mô hình này ra toàn thành phố.
Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo học sinh ngoại thành có cơ hội tiếp cận chất lượng giáo dục tương đương với nội thành.
Bà Nguyễn Phương Lan - Tổng giám đốc EMG Education - đơn vị đồng hành với Sở GD&ĐT TPHCM trong việc thực hiện chương trình tiếng Anh tích hợp theo đề án 5695, khẳng định, khoảng cách giáo dục nói chung và tiếng Anh nói riêng giữa học sinh nội thành và học sinh ngoại thành không phải vấn đề riêng của Hà Nội.
Kinh nghiệm từ đề án 5695, bà Lan nhấn mạnh nguyên tắc "4 nhà" trong việc thu hẹp khoảng cách nói trên. Đó là sự chung tay chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và nhà người học.
Một tiết học tiếng Anh theo chương trình thí điểm làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non tại TPHCM (Ảnh: EMG).
Theo bà Lan, việc xã hội hóa trong giảng dạy tiếng Anh là hướng đi quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Bởi tiềm lực của doanh nghiệp giúp cung cấp các giải pháp và nguồn lực trong đào tạo giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh cũng như đưa các ứng dụng công nghệ trong dạy và học tiếng Anh vào nhà trường.
Hiện những phần mềm học tập phổ biến trong các nhà trường tại TPHCM như hệ thống LMS, E-learning, ứng dụng AI, học liệu số… đều là nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp.
Bà Lan cũng nhấn mạnh vào việc cần có chiến lược công nghệ trong việc học tiếng Anh như đưa công cụ AI vào nhà trường để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên và cung cấp nhiều cơ hội học tập hơn, tốt hơn cho học sinh.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2025-2026, toàn thành phố có 2,3 triệu học sinh, chiếm hơn 1/10 học sinh cả nước. Số giáo viên ước tính là 130.000.
Hàng năm, số học sinh Hà Nội tăng thêm 35.000-40.000, trong đó 30% là học sinh ngoại tỉnh.
Mong muốn của ngành giáo dục thủ đô là có thể phá vỡ rào cản địa lý trong việc học tiếng Anh, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.
Theo dantri.com.vn