Hiện thực hóa khát vọng trung tâm tài chính quốc tế

Thứ 2, 13.01.2025 | 09:07:38
67 lượt xem

Sau hơn 20 năm đề xuất ý tưởng và xây dựng đề án, Thành phố Hồ Chí Minh đang có cơ hội lịch sử hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế khi nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều cao ốc văn phòng là lợi thế để hình thành trung tâm tài chính quốc tế. (Ảnh: THẾ ANH)

Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là dự án phát triển kinh tế, mà còn là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính; là bước đi chiến lược để kết nối sâu hơn với dòng chảy tài chính thế giới, thu hút nguồn lực và thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Nhận thấy bối cảnh thuận lợi và nắm bắt “cơ hội vàng” dành cho các trung tâm tài chính mới nổi như Việt Nam, ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 47-TB/TW về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, Bộ Chính trị đồng ý thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.

Tiếp đó, ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP về kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW. Trong đó, Chính phủ phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý. Các nhiệm vụ tập trung cho 5 trọng tâm, gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút nhân tài quốc tế, thúc đẩy đổi mới tài chính, hội nhập quốc tế và bảo vệ an ninh tài chính.

Vấn đề hiện nay là việc triển khai hiện thực hóa chủ trương này như thế nào? Thực tế, việc triển khai xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề khó, nhiều phức tạp và chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Ngày 4/1 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận niềm vui và có thêm động lực lớn khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị công bố nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch hành động triển khai xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước.

Khẳng định Việt Nam hội đủ 5 điều kiện để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện quyết tâm cao trong triển khai các kế hoạch hành động với quan điểm: “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi” và tinh thần “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Theo Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, là công việc của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, toàn dân, doanh nghiệp với sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Với phương châm “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được những thành công trong xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, đóng góp cho sự phát triển, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

Để sớm hiện thực hóa khát vọng thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần nghiên cứu lựa chọn được mô hình phù hợp bối cảnh kinh tế, xã hội và vị trí địa chiến lược. Đặc biệt, thành phố phải có giải pháp cải thiện khung pháp lý và chính sách quản lý rủi ro tài chính; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng tài chính và công nghệ thông tin; tăng cường tính minh bạch, chống tham nhũng và thúc đẩy môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, công bằng và cạnh tranh lành mạnh.

Kỳ vọng sự vào cuộc đầy quyết tâm của bộ, ngành, các địa phương nhưng sự thành công của trung tâm tài chính không chỉ phụ thuộc vào các chính sách mà còn là sự đồng lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và Thành phố Hồ Chí Minh.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/hien-thuc-hoa-khat-vong-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-post855706.html

  • Từ khóa