Sẽ ban hành Nghị định xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ hưu sai phạm khi đương chức

Thứ 6, 13.03.2020 | 08:45:51
835 lượt xem

Việc quy định như vậy có ý nghĩa răn đe, các cán bộ, công chức, viên chức khác nhìn vào những trường hợp bị kỷ luật để rút ra bài học cho mình.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó khẳng định, mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Để cụ thể hóa các quy định này của Luật, Bộ Nội vụ đang hoàn chỉnh dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó bổ sung quy định áp dụng xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác; bổ sung nguyên tắc xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về Đảng. 

Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

se ban hanh nghi dinh xu ly ky luat can bo nghi huu sai pham khi duong chuc hinh 1
Ông Nguyễn Viết Chức –  nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

PV: Việc ban hành những quy định để xử lý kỷ luật nghiêm khắc với những cán bộ công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng lại có vi phạm trong quá trình công tác có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Chức: Việc ban hành quy định này có ý nghĩa rất lớn bởi vì sẽ không còn có “hoàng hôn nhiệm kỳ”, không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý kỷ luật. 

Suy cho cùng, những quy định của Đảng cũng như quy định của luật pháp đều hướng tới không để bất kỳ ai có thể vi phạm pháp luật, không để bất kỳ đảng viên nào dù quyền chức đến đâu lại làm tổn hại đến uy tín của Đảng, đặc biệt là tổn hại đến lợi ích của nhân dân. Bởi thế cho nên đã có một thời gian dài có người nghĩ rằng mình cứ làm rồi sau đó “hạ cánh an toàn” là được, còn bây giờ việc này không còn nữa.

Việc quy định như vậy có ý nghĩa răn đe, các cán bộ, công chức, viên chức khác nhìn vào những trường hợp bị kỷ luật để rút ra bài học cho mình, từ đó tăng cường tu dưỡng, rèn luyện để làm tốt hơn công việc. 

Dự thảo Nghị định không chỉ quy định đối với những người đã “hạ cánh” mà quy định nói chung đối với công chức, viên chức. Ai đã vi phạm pháp luật thì dù đang tại chức hay đã nghỉ hưu thì đều bị xử lý nếu mắc sai phạm.

PV: Hiện nay vẫn có 2 loại ý kiến khác nhau xoay quanh việc xử lý cán bộ công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Thứ nhất, đề nghị chỉ xử lý một số trường hợp cán bộ có hành vi vi phạm mà điều lệ và pháp luật chưa quy định. Thứ hai đề nghị quy định cụ thể các nội dung xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ có hành vi vi phạm. Dự thảo Nghị định đang được Bộ Nội vụ xây dựng nghiêng về ý kiến thứ nhất. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Viết Chức: Với ý kiến thứ nhất, hệ thống pháp luật của chúng ta là một hệ thống thống nhất, không thể luật này lại trái với luật kia;  các văn bản quy phạm pháp luật không thể trùng nhau một cách không cần thiết. Luật này quy định điều này rồi thì luật khác có cần nhắc lại hay không? Đó là cân nhắc của cơ quan soạn thảo.

Tuy nhiên, Nghị định cũng phải cân nhắc việc mình đưa ra hay bổ sung thêm quy định gì đó trên cơ sở thống nhất với Luật đã quy định, không để Nghị định quy định những điều trái với Luật đã quy định.

PV: Có ý kiến đặt câu hỏi đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác và bị kỷ luật thì những danh hiệu thi đua của họ, bằng khen của họ có còn giá trị?

Ông Nguyễn Viết Chức: Những cán bộ đó đã bị kỷ luật, thậm chí cách các chức vụ, thì những danh hiệu thi đua đều bị cắt đi. Bởi vì những danh hiệu được tặng trong quá trình cán bộ có cống hiến, làm việc tốt, còn bây giờ cán bộ bị kỷ luật thì những danh hiệu đó không còn giá trị nữa. 

Điều quan trọng nhất là mỗi cán bộ đều phải suy nghĩ, suốt cả cuộc đời là cán bộ mà ít nhiều lại ở vị trí nào đó, có cống hiến nhưng vì khuyết điểm này, khuyết điểm kia mà lại để mất danh dự như vậy thì đó điều đau xót. Tôi cũng đồng tình với ý kiến phải phòng ngừa là chính, chứ đừng để xảy ra rồi thì mới xử lý. Cực chẳng đã mới phải xử lý cán bộ, xử lý đồng chí của mình. Cho nên mỗi người phải ý thức được, không phải chờ đến lúc sắp nghỉ hưu thì mới tốt thì khi đó đã quá muộn. Phải tốt từng ngày, từ ngày còn nhân viên, cho đến khi phấn đấu có được vị trí.

Bên cạnh đó phải thu hồi được tài sản; khuyến khích, có yếu tố giảm nhẹ nếu khắc phục được hậu quả về tài chính, kinh tế.

Không phải vì sáng tạo mà mắc khuyết điểm

PV: Việc đưa ra các chế tài để xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm trong thời gian còn công tác được xem là quy định đánh mạnh vào ý thức và trách nhiệm của cán bộ khi còn đang công tác. Tuy nhiên, các chế tài này có làm hạn chế tính sáng tạo, đột phá trong thực hiện công việc hàng ngày của cán bộ công chức, viên chức không, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Chức: Những chế tài này không làm hạn chế tính sáng tạo. Mọi người hãy cứ sáng tạo nhưng trong khuôn khổ của pháp luật chứ không phải sáng tạo ngoài khuôn khổ đó. Hơn nữa, sáng tạo không đồng nghĩa với tham ô, lãng phí, lợi ích nhóm. Sáng tạo phải bằng tất cả tâm huyết, trí tuệ của mình để phục vụ lợi ích của nhân dân. Nếu như cán bộ là đảng viên thì hãy nhớ lời dạy của Bác, rằng là: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh…”. Không phải vì sáng tạo mà mắc khuyết điểm.

PV: Một trong những điểm mới trong dự thảo Nghị định đó là bổ sung nguyên tắc xử lý kỷ luật. Cụ thể việc xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định kỷ luật về Đảng. Theo ông, dự thảo quy định như vậy có giới hạn đối tượng bị xử lý luật so với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ công chức, viên chức đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 khóa XIV?

Ông Nguyễn Viết Chức: Nghị định không được trái với quy định của pháp luật. Cơ quan soạn thảo Nghị định cũng phải nghiên cứu kỹ việc này. Dự thảo quy định cán bộ đã có kỷ luật về Đảng thì sẽ thực thi những kỷ luật tiếp theo. Tuy nhiên, có những cán bộ, công chức, viên chức không phải là đảng viên thì sao? Việc này phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ tinh thần của Luật đã được Quốc hội thông qua.

PV: Liên quan đến thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, hiện nay dư luận cũng đang rất quan tâm đến Kỳ họp thứ 43 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó nêu vi phạm của ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và ông Vũ Hùng Việt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, song đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.  Theo ông, những vi phạm này sẽ bị xử lý kỷ luật ra sao?

Ông Nguyễn Viết Chức: Các cơ quan của Đảng, Nhà nước sẽ căn cứ vào Luật mới đã được Quốc hội thông qua để xử lý. 

Tất cả cán bộ từng trải qua công tác, đặc biệt là đang tại vị phải nghĩ ngay đến việc phải làm điều gì tốt đẹp cho nhân dân, cho đất nước đúng với chức trách, nhiệm vụ của mình. Để đến khi nghỉ hưu người ta không nhắc đến những điều không tốt đẹp về mình, chứ không phải chờ đến lúc nghỉ hưu thì mới phấn đấu. 

Cán bộ, công chức đừng nghĩ “hạ cánh là an toàn”, những quy định, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước không cho phép bất kỳ ai lọt qua được. Phải suy nghĩ ngay từ khi còn đương chức. 

PV: Xin cảm ơn ông./.


PV/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/se-ban-hanh-nghi-dinh-xu-ly-ky-luat-can-bo-nghi-huu-sai-pham-khi-duong-chuc-1021070.vov

  • Từ khóa