Bệnh lý tủy răng và những hệ lụy

Thứ 7, 14.03.2020 | 10:00:25
1,397 lượt xem

Bệnh lý tủy răng là một bệnh hay gặp và khá phổ biến, thông thường viêm tủy thường bắt đầu từ sâu răng không được điều trị đúng và kịp thời, những vi khuẩn tồn tại ở trong miệng, xâm nhập tuỷ răng chủ yếu qua các lỗ sâu và gây bệnh.

Tác nhân gây bệnh

Tủy răng nằm trong hốc tủy được bao bọc xung quanh bởi lớp mô cứng của răng - đó là ngà (ngoại trừ lỗ chóp chân răng). Đặc điểm của mạch máu tủy răng là mạch máu tận cùng, vào ra hốc tủy bởi lỗ chóp chân răng nên khi tủy bị viêm thì dễ bị sung huyết đè nén gây đau nhức và dễ bị hoại tử. Bệnh lý tủy thông thường là biến chứng của sâu răng, chúng có thể bị viêm do vi khuẩn, hóa chất và nhiều yếu tố khác.

Tác nhân gây bệnh lý tuỷ răng thường gặp nhất là vi khuẩn... Các yếu tố khác như: hóa chất (nhiễm độc chì, thủy ngân...), sang chấn, thay đổi áp suất môi trường... cũng có thể gây bệnh lý tủy răng. Ngoài ra, bệnh tủy răng còn do các nguyên nhân khác như vỡ hay mẻ răng, do chấn thương làm đứt mạch máu nuôi tủy răng, mòn răng quá nhiều, viêm tủy do viêm quanh răng...

Cấu tạo tủy răng.

Cấu tạo tủy răng.

Diễn biến của viêm tủy răng

Ở giai đoạn 1, viêm tủy răng có khả năng hồi phục, người bệnh thường bị sâu răng mà không phát hiện hoặc không được điều trị. Người bệnh tự nhiên thấy xuất hiện cơn đau thoáng qua hoặc trong quá trình ăn uống bị đau do kích thích như ăn ngọt, chua, lạnh, thời gian đau ngắn khoảng vài giây. Thực chất cơn đau là đau nhói và khu trú nên giai đoạn này nếu  được điều trị kịp thời tủy răng sẽ phục hồi.

Ở giai đoạn 2, viêm tủy răng cấp, cơn đau tự phát kéo dài thường hay xảy ra vào ban đêm, nhất là khi bệnh nhân nằm xuống. Cơn đau có thể do kích thích như sự thay đổi nhiệt độ, thức ăn lọt vào lỗ sâu. Cơn đau có thể nhói hay âm ỉ, khu trú hay lan tỏa, đau từng cơn hay liên tục. Hết cơn, người bệnh lại bình thường. Nếu có mủ, người bệnh đau dữ dội hơn, đau giật như mạch đập, như gõ trống trong tai, răng đau có cảm giác lung lay nhẹ và trồi cao hơn các răng khác.

Sang giai đoạn 3, viêm tủy mạn tính, người bệnh thường đau tự nhiên từng cơn âm ỉ, liên tục hàng giờ, khoảng cách giữa các cơn đau rất ngắn. Tùy hình thể bệnh do một kích thích cường độ nhẹ liên tục trên mô tủy giàu mạch máu, thường gặp ở những bệnh nhân trẻ. Bệnh nhân không có triệu chứng trừ một cơn đau nhẹ thoáng qua khi nhai. Khám có một nốt đỏ mọc giữa thân răng dùng thám trâm chọc vào bệnh nhân đau ít, đồng thời máu chảy ra nhiều.

Cần điều trị sớm

Viêm tủy có khả năng hồi phục nếu chẩn đoán đúng và tủy được bảo vệ, tủy có thể trở về trạng thái bình thường, ngược lại, nếu tủy không được bảo vệ thì triệu chứng có thể dai dẳng hoặc dẫn đến viêm tủy không có khả năng hồi phục sẽ bị hoại tử. Răng chết tủy không được điều trị dẫn đến viêm quanh chóp chân răng, áp-xe quanh chóp răng  và có thể sẽ phát sinh các biến chứng như viêm quanh cuống răng, rụng răng, viêm xương, viêm hạch rất nguy hại cho sức khoẻ.

Khi răng có các triệu chứng như: lỗ sâu lớn, răng bị sang chấn kèm theo các dấu hiệu đau nhức từng cơn tự nhiên (đau tăng dần về đêm), răng bị đổi màu bất thường..., người bệnh cần đến bác sĩ ngay để được khám và điều trị vì có thể tủy răng đã bị viêm hoặc hoại tử.

Cách phòng bệnh hiệu quả?

Để phòng sâu răng nói chung và bệnh lý tủy răng nói riêng, cần vệ sinh răng miệng đúng cách. Hằng ngày, chải răng và súc miệng sau khi ăn hoặc 2 lần (sáng, tối). Dùng chỉ nha khoa để lấy thức ăn ở những kẽ sít, chỉ dùng tăm để khều thức ăn giắt ở kẽ răng, không dùng để xỉa ở các kẽ răng vì sẽ làm rộng kẽ và mòn men cổ răng.

Dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp trên răng và vi khuẩn, làm gia tăng hoặc làm chậm các bệnh răng miệng, nhất là đối với trẻ nhỏ cần ăn nhiều các thực phẩm tốt cho răng gồm: sữa, phô-mai, đậu nành, các loại đậu, rau cải, bông cải xanh, tôm cua... chứa nhiều canxi; các loại củ quả như: cam, chanh, cà chua, các loại rau cải xanh, cá biển chứa nhiều vitamin C, D... Nên ăn đúng bữa, đúng lúc, đủ các loại dinh dưỡng, tránh ăn vặt nhiều lần trong ngày. Khi răng có các triệu chứng như: lỗ sâu lớn, răng bị sang chấn kèm theo các dấu hiệu đau nhức từng cơn tự nhiên (đau tăng dần về đêm), răng bị đổi màu bất thường..., phải đến bác sĩ ngay để được khám và điều trị. Cần khám răng định kỳ 6 tháng/lần, mỗi năm 2 lần, đặc biệt là trẻ em nhằm phát hiện sớm tổn thương, đánh giá tình hình bệnh tật và điều trị sớm, hạn chế gây biến chứng.

BS. Huy Anh/suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/benh-ly-tuy-rang-va-nhung-he-luy-n170153.html

  • Từ khóa