Đà Nẵng quyết liệt ngăn chặn tin giả, tin đồn thất thiệt về dịch Covid-19

Thứ 7, 21.03.2020 | 15:30:09
592 lượt xem

Những tin giả, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong nhân dân, rối loạn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Trong khi cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì một số người lại cố tình hoặc vô ý tung tin, chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng lên mạng xã hội. Những tin giả, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong nhân dân, rối loạn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Việc xử lý, ngăn chặn tin giả, tin đồn thất thiệt khiến các cơ quan chức năng tốn kém nhiều thời gian, công sức. 

Tại thành phố Đà Nẵng, từ khi bùng phát dịch bệnh Covid-19 đến nay, các cơ quan chức năng đã quyết liệt ngăn chặn và kịp thời xử lý những tin đồn thất thiệt, ổn định tình hình trật tự xã hội.

da nang quyet liet ngan chan tin gia, tin don that thiet ve dich covid-19 hinh 1
Công an TP Đà Nẵng xử phạt người đưa tin giả về việc 2 khác người Anh đưa 2 cô gái về khách sạn

Khi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona mới bùng phát từ Vũ Hán, trên mạng xã hội đã có nhiều thông tin về dịch bệnh gây tâm lý hoang mang.

Sau Tết Nguyên đán vừa qua, Công an quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã xử phạt một thanh niên người địa phương 12,5 triệu đồng về hành vi lấy kết quả điều trị bệnh sốt xuất huyết, chỉnh sửa nội dung thành dương tính với virus corona chủng mới rồi đăng lên mạng xã hội.

Mới đây nhất, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an TP Đà Nẵng xử phạt 10 triệu đồng đối với bà N.T.H. (36 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo cơ quan công an, lúc 23h30 ngày 8/3, bà N.T.H. sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải nội dung "hai du khách người Anh dương tính với Covid-19 không khai báo chuyện đưa "gái" về, mà lễ tân chủ động khai báo với công an; hai cô gái này trú tại khu trọ ở Tiểu La (giờ này đã bị phong tỏa), làm việc quần quật thêm mười mấy khách nữa trong hai ngày, mười mấy khách này lại về nhà và lây lan tiếp ra". Công an đã điều tra xác định nội dung này hoàn toàn sai sự thật. Trong thời gian lưu trú tại Đà Nẵng, 2 du khách người Anh không đưa 2 cô gái nào về khách sạn Vanda như nội dung bà N.T.H. đăng tải.

Tin đồn gây hoang mang nhất tại Đà Nẵng là vào ngày 11/3 vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền tin đồn 10 bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay trong đêm đó, bệnh viện Đà Nẵng và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid 19 phải lên tiếng bác bỏ tin đồn này,  đề nghị người dân bình tĩnh, chọn lọc và theo dõi thông tin chính thức từ các sở ngành và các cơ quan báo chính thống. 

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng cho biết, các bác sĩ ngày đêm lăn lộn chống dịch, chăm sóc người bệnh nhưng mệt mỏi nhất là đối phó với tin đồn. Bác sỹ Trung cho biết, đội ngũ y, bác sỹ đều rất căng thẳng trong vấn đề vừa phải điều trị vừa phải đối phó với thông tin rồi tâm lý bệnh nhân, đặc biệt trong dịp Tết vừa qua. Với trang thông tin điện tử của Sở Y tế, của Cổng thông tin điện tử của thành phố và trang thông tin của bệnh viện Đà Nẵng thì thông tin đưa lên sẽ kịp thời và chính xác hơn.

da nang quyet liet ngan chan tin gia, tin don that thiet ve dich covid-19 hinh 2
Công an quận Liên Chiểu- TP Đà Nẵng xử phạt thanh niên ở địa phương đưa tin giả.

Có thể nói trong thời gian qua, thông tin liên quan đến dịch bệnh do Covid-19 được người dân cả nước thường xuyên quan tâm. Những thông tin trên mạng xã hội được “tung” ra với mục đích câu like (thích), câu view (đọc, xem) gây chú ý để bán hàng... gây hoang mang trong cộng đồng. Thượng tá Nguyễn Hưng Lợi, Phó trưởng Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an TP Đà Nẵng cho biết, từ ngày xảy ra dịch đến nay, Công an thành phố đã xử lý 22 trường hợp tung tin giả, tin đồn, ra quyết định xử phạt 7 trường hợp với số tiền 72,5 triệu đồng; Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt 2 trường hợp; nhắc nhở 9 trường hợp khác. 

Thượng tá Nguyễn Hưng Lợi cho biết, quan điểm của Công an thành phố Đà Nẵng là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chủ động cung cấp các thông tin chính thống cho các cơ quan truyền thông, trang mạng xã hội để người dân có thông tin sớm về tình hình dịch bệnh: "Với trách nhiệm được giao, chúng tôi đã phối hợp với các sở ban ngành như Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo và các phóng viên báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, đưa nhiều thông tin chính thống trên báo chí và trên mạng xã hội để người dân đọc và phân biệt đâu là thông tin chính thống và đâu là tin giả. Chúng tôi tham mưu Giám đốc chỉ đạo ngành dọc trong Công an thành phố đấu tranh với đối tượng đưa những tin giả ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân."

Tình trạng tin giả xuất hiện tại Đà Nẵng chủ yếu do người dùng mạng xã hội chia sẻ, bình luận mang tính chất đám đông, không kiểm chứng thông tin khi đăng tải. Một số người bán hàng qua mạng tìm cách gây sự chú ý của cộng đồng mạng bằng cách đăng tải những thông tin giật gân, không chính xác, thậm chí bịa ra các văn bản nhà nước để chứng tỏ mình hiểu biết rộng. Trong khi đó, việc đăng ký tài khoản Facebook quá dễ dãi, thông tin người dùng thiếu xác thực, rất khó kiểm soát. Về mặt kỹ thuật, việc truy tìm các chủ tài khoản đăng tin giả, tin đồn không khó nhưng mất nhiều thời gian. 

Ông Trần Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đã xử lý 10 trường hợp vi phạm về đăng tải thông tin sai sự thật: "Đối với Đà Nẵng, việc ngăn chặn những thông tin  mang tính chất sai sự thật, đầu tiên là có sự phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước về kỹ thuật thông tin điện tử, tăng cường nhận tức của người dùng mạng xã hội. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý thông tin điện tử và nội dung trên mạng xã hội cần sử dụng công nghệ; Đồng thời quan tâm tới các nội dung không có lợi ích cho cộng đồng"./.


Thanh Hà/VOV.VN

https://vov.vn/phap-luat/da-nang-quyet-liet-ngan-chan-tin-gia-tin-don-that-thiet-ve-dich-covid19-1025025.vov

  • Từ khóa