Khối tài sản bị kê biên của gia đình ông Trần Bắc Hà

Chủ nhật, 29.03.2020 | 17:46:28
896 lượt xem

HÀ NỘI - Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà và con trai Trần Duy Tùng cùng liên quan vụ án gây thiệt hại cho BIDV nên bị kê biên nhiều căn hộ, cổ phiếu, tài sản ở nước ngoài.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ngày 18/3 ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và một số công ty.

Ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc là người chịu trách nhiệm chính, xuyên suốt trong việc chỉ đạo gây thiệt hại cho BIDV hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, việc phê duyệt, cấp tín dụng và giải ngân cho Công ty Bình Hà (công ty sân sau của ông Hà) dẫn đến mất vốn, gây thiệt hại cho BIDV hơn 683 tỷ đồng; Công ty Trung Dũng thiệt hại hơn 864 tỷ đồng.

Ông Hà bị khởi tố nhưng đã tử vong trong quá trình tạm giam do bệnh lý nên cơ quan cảnh sát điều tra đã đình chỉ điều tra bị can.

Dù vậy, cơ quan điều tra đã biên nhiều tài sản của cựu chủ tịch BIDV nhằm phục vụ thi hành án, trong đó có 5 bất động sản đứng tên đồng sở hữu của vợ chồng ông Hà tại TP HCM gồm các căn hộ ở quận Tân Bình, khu phố Panorama - Phú Mỹ Hưng (diện tích 224 m2), khu Garden Plaza II (diện tích 281 m2), tòa nhà Hoàng Anh River View (diện tích 166 m2), tòa nhà The Everich (diện tích 146 m2), hai bất động sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân đứng tên vợ ông Hà.

Cơ quan điều tra còn ngăn chặn các giao dịch liên quan 3 bất động sản ở Bình Định của gia đình ông Hà; ngăn chặn giao dịch cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Hà và con trai cùng 3.308 cổ phiếu của bị can Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh), cổ phiếu của vợ ông Hà và hơn 760.000 cổ phiếu của con gái ông Hà.

Ngoài ra, ông Hà bị phong tỏa nhiều tài sản ở Lào tương đương hơn 300 tỷ đồng.

Bị can Trần Duy Tùng (con trai ông Hà, đang bỏ trốn) cũng bị kê biên ba bất động sản ở TP HCM gồm: căn hộ ở tòa nhà Vicom, tòa nhà Hoàng Anh River View và chung cư Imperia cùng nhiều cổ phần, cổ phiếu. Trong đó có hơn 678.000 cổ phần tại Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn; 15,5 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú và 500.000 cổ phần Công ty CP Tập đoàn An Phú đứng tên sở hữu bị can Trần Anh Quang (cựu tổng giám đốc công ty Bình Hà, cháu ông Hà).

Cách công ty Trung Dũng chiếm đoạt gần nghìn tỷ đồng của BIDV

Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng có vốn điều lệ 200 tỷ đồng do ông Đoàn Hồng Dũng và vợ Nguyễn Thị Thanh Sơn đóng góp.

Tháng 11/2011, Công ty Trung Dũng có hai đơn đề nghị phát hành thư tín dụng (L/C) kèm theo phương án kinh doanh và đề nghị BIDV mở hai L/C trị giá hơn 22.000 USD, đảm bảo bằng hàng hóa tồn kho của lô hàng phôi thép, thép phế nhập khẩu. Khi đề nghị BIDV mở L/C để đảm bảo thanh toán, Trung Dũng cam kết chuyển toàn bộ số tiền thu được từ việc bán hàng nhập khẩu về tài khoản của BIDV, sử dụng tiền này để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn.

BIDV chi nhánh Hà Thành sau đó giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý tài sản đảm bảo và kèm điều kiện lô hàng nhập khẩu chỉ được xuất kho được BIDV chấp thuận bằng văn bản. Trường hợp xuất kho chưa được BIDV chấp thuận bị coi là vi phạm hợp đồng bảo đảm.

Từ cơ sở trên, năm 2007 đến 2011, BIDV chi nhánh Hà Thành đã cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng với ba hình thức: bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán trái phiếu để đầu tư vào Công ty gang thép Thái Nguyên (Công ty TISCO); cho vay hạn mức tín dụng ngắn hạn để phục vụ mua bán hàng hoá và cấp tín dụng bằng hình thức phát hành L/C nhập khẩu hàng hoá.

Theo tài liệu điều tra, bị can Dũng sau khi được giải ngân đã tự ý bản tài sản đảm bảo mà không được BIDV đồng ý. Số tiền thu về từ việc bán hàng, Dũng đã không chuyển về tài khoản của công ty tại BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn như cam kết mà chiếm đoạt để sử dụng cá nhân và hoạt động của công ty. Đến nay, Công ty Trung Dũng không có khả năng trả nợ 263 tỷ đồng cho BIDV.

Dũng bị đề nghị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo điều 175 Bộ luật Hình sự 2015. Đồng phạm giúp sức cho Dũng là bị can Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ). Cơ quan điều tra xác định còn có 10 người thân, nhân viên có hành vi giúp sức cho vợ chồng Dũng nhưng chưa đủ căn cứ xác định có sự bàn bạc nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tính đến ngày 31/12/2018, sau khi BIDV xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, tổng dư nợ của Trung Dũng tại BIDV là 967,45 tỷ đồng và lãi 986,3 tỷ đồng; tổng nợ cả gốc và lãi hơn 2.000 tỷ đồng.

Bị can Đoàn Hồng Dũng. Ảnh: Bộ Công an.

Bị can Đoàn Hồng Dũng. Ảnh: Bộ Công an.

Về sai phạm của  cán bộ BIDV, cơ quan điều tra xác định, các cán bộ tại BIDV Hội sở chính đã phê duyệt cấp tín dụng cho Trung Dũng với nhiều điều kiện ưu đãi như: phê duyệt cấp hạn mức tín dụng khi khách hàng không đủ điều kiện khả năng về tái chính để trả nợ khi đến hạn, vi phạm quy trình cấp tín dụng của BIDV... Việc này vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện cấp tín dụng, gây thiệt hại cho BIDV hơn 864 tỷ đồng.

Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm chính, xuyên suốt với những sai phạm và hậu quả của BIDV là ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV). Ông Hà khai chỉ biết Trung Dũng là khách hàng của BIDV thông qua chi nhánh Hà Thành chứ không có quan hệ tài chính với công ty này. Ông Hà thừa nhận khi cấp L/C cho khách hàng đã không đọc kỹ tờ trình và hơn nữa việc cấp tín dụng là làm việc theo chế độ tập thể. Ông Hà bị khởi tố nhưng đã tử vong trong quá trình tạm giam do bệnh lý nên cơ quan cảnh sát điều tra đã đình chỉ điều tra bị can.

Ngoài ông Hà, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố các bị can đều ở BIDV chi nhánh Hà Thành là Ngô Duy Chính (cựu giám đốc), Nguyễn Xuân Giáp (cựu phó giám đốc), Phạm Hồng Quang (cựu trưởng phòng khách hàng), Đặng Thanh Nam (cựu cán bộ) về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật hình sự 2015.

Theo cáo buộc, từ tháng 7/2008, bị can Nam trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, thẩm định khách hàng, lập tờ trình đề nghị cấp hạn mức, thực hiện giải ngân cho Công ty Trung Dũng. Nam thừa nhận trong quá trình thẩm định và đề xuất cho vay đã có những sai phạm do có sức ép từ lãnh đạo BIDV.

Bị can này giải thích, khi Phó giám đốc chi nhánh ngừng giải ngân do phát hiện có vi phạm thì người này liền bị ông Trần Bắc Hà buộc điều chuyển công tác. Vì thế, Nam biết Công ty Trung Dũng có quan hệ với Chủ tịch Hà.

Hơn nữa, trong đề nghị mở L/C của khách hàng có bút phê chỉ đạo của ông Hà trước khi chuyển đến phòng quan hệ khách hàng nên Nam và các cán bộ khác phải đề xuất cho vay, đề xuất giải ngân 25 khoản dư nợ với tổng số hơn 563 tỷ đồng. Nhà chức trách cho rằng, hành vi của Nam dẫn đến việc BIDV bị công ty Trung Dũng chiếm đoạt hơn 263 tỷ đồng, đến nay không có khả năng thu hồi.

Bị can Ngô Duy Chính (trái) và Đặng Thanh Nam. Ảnh: Bộ Công an.

Bị can Ngô Duy Chính (trái) và Đặng Thanh Nam. Ảnh: Bộ Công an.

Liên quan sai phạm trên còn có 15 cán bộ BIDV Hội sở. Tuy nhiên, hành vi vi phạm của những người này được cơ quan điều tra cho rằng không phải là quyết định và xuyên suốt, không trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại như hiện nay. Hơn nữa, để đảm bảo hoat động bình thường của BIDV, tránh ảnh hưởng đến an toàn hệ thống nên cơ quan điều tra không xử lý trách nhiệm hình sự với các cá nhân này.

Phạm Dự/vnexpress.net

https://vnexpress.net/phap-luat/khoi-tai-san-bi-ke-bien-cua-gia-dinh-ong-tran-bac-ha-4076077.html

  • Từ khóa