Với mong muốn chia sẻ cùng sinh viên, phụ huynh trong mùa dịch Covid-19, nhiều trường ĐH mạnh tay chi hàng chục tỷ đồng hỗ trợ học phí.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, tác động đến cuộc sống của nhiều người học, trường ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định dành gói 20 tỷ đồng để hỗ trợ miễn giảm học phí.
Đây là gói hỗ trợ dành cho học kỳ 2 năm học 2019-2020, đối với các sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình thực sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Kinh phí được trích từ khoản tiết kiệm chi vận hành trong thời gian học trực tuyến, tiết giảm đầu tư xây dựng cơ bản và tiết giảm các khoản chi khác.
Nhiều trường đại học dành hàng chục tỷ đồng hỗ trợ học phí cho sinh viên mùa dịch. (Ảnh minh họa) |
Gói hỗ trợ này được đưa ra độc lập với quỹ học bổng thường niên trị giá 45 tỷ đồng nhằm khuyến khích tài năng và hỗ trợ học tập cho những sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có nghị lực vươn lên trong học tập với các học bổng trị giá từ 50-100% học phí.
Bên cạnh gói miễn giảm học phí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang kêu gọi, vận động cán bộ viên chức và cựu sinh viên quyên góp tiền mặt, các tổ chức và doanh nghiệp chung tay hỗ trợ triển khai chính sách trợ giá máy tính và các gói cước dữ liệu, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên có trang thiết bị học tập trực tuyến hiệu quả và có chất lượng.
Trường ĐH Ngoại thương đã kích hoạt gói hỗ trợ tài chính đặc biệt dành cho sinh viên, bao gồm việc hỗ trợ số tiền tương đương 5% học phí của học kỳ 2 năm học 2019-2020 (số tiền này được giảm trừ trực tiếp vào học phí phải nộp) cho toàn bộ gần 15.000 sinh viên hệ đại học chính quy ở cả 3 cơ sở. Đồng thời, lùi thời hạn đóng học phí thêm 1 tháng.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng triển khai ngay việc xét cấp bổ sung học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian dịch Covid-19 và đạt kết quả học tập từ loại Khá trở lên với mức học bổng tương đương 50%-100% học phí.
Ngoài ra, các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch còn có thể tham gia chương trình cho vay học bổng FTU-Mabuchi với lãi suất 0% trong thời gian học tập tại trường.
Đối với các đối tượng chính sách, ngoài việc được miễn giảm học phí theo quy định, sẽ được nhận thêm một khoản hỗ trợ tài chính từ nhà trường. Học viên cao học và các loại hình đào tạo khác cũng đã được nhà trường thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp, trong đó có hỗ trợ tài chính.
Trường đại học FPT cũng quyết định trích từ Quỹ đầu tư phát triển hơn 80 tỉ đồng để hỗ trợ 20% học phí các tháng kỳ hè (từ tháng 5 đến hết tháng 8.2020) cho sinh viên cao đẳng và sinh viên đại học. Tỉ lệ hỗ trợ học phí cho các chương trình liên kết là 10%.
Ngoài ra, với những gia đình sinh viên có điều kiện không cần đến phần hỗ trợ này, kinh phí hỗ trợ của nhà trường sẽ được chuyển cho Quỹ quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành giảm 15% học phí cho sinh viên. Trường Đại học Kinh tế - Luật cũng hỗ trợ mỗi sinh viên 50.000 đồng/tháng (khoảng 7.000 sinh viên) để tăng đường truyền internet bảo đảm việc học online được thông suốt trong thời gian chưa thể quay lại trường vì dịch bệnh.
Trường Đại học Văn Lang quyết định hỗ trợ học phí cho toàn bộ sinh viên khi xác định dạy học online là hình thức đào tạo chính thức trong học kỳ II năm học 2019-2020. Theo đó, giảm 20% học phí đối với học phần học online sinh viên đã đăng ký và tham gia lớp học. Hỗ trợ 10% học phí đối với học phần không dạy online và học phần không đăng ký học online, sinh viên năm cuối./.
Nguyễn Trang/VOV.VN