Để xảy ra sai phạm trong công tác phòng chống dịch, người đứng đầu mỗi địa phương cần xem xét lại trách nhiệm của mình
Hơn 1 tuần qua, cả nước đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giãn cách xã hội, hạn chế tối đa tốc độ lây lan của dịch bệnh. Trong Chỉ thị này, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của các cơ quan, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân trong công cuộc phòng, chống dịch.
Giáo dân ở Hà Tĩnh vẫn đi dự thánh lễ ở nhà thờ trong thời điểm dịch bệnh (Ảnh: Báo Hà Tĩnh) |
Tuy nhiên, tại Hà Tĩnh, trong khi cả trăm gia đình đồng ý hoãn đám cưới hoặc chỉ cưới hỏi với quy mô gọn nhẹ, thành phần chủ yếu là nội bộ gia đình, họ tộc để tránh lây lan dịch bệnh, thì hàng trăm giáo dân của 8 giáo xứ thuộc Giáo phận Hà Tĩnh ở các huyện Ðức Thọ, Can Lộc, Hương Khê, Thạch Hà trong 2 ngày 4, 5/4 vẫn tập trung tham dự Thánh lễ tại nhà thờ. Đó rõ ràng là hành động vi phạm pháp luật.
Được biết, trước khi xảy ra vụ việc giáo dân đi lễ nhà thờ, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh tạm đình chỉ công tác đối với một Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Hương Khê khi ông này vẫn tổ chức đám cưới cho con trai trong mùa dịch, có dấu hiệu vi phạm quy định cấm tập trung đông người để phòng chống dịch bệnh.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch huyện Thạch Hà kiểm tra khu cách ly tập trung của huyện. |
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Quốc Hương, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), một trong 4 địa phương có giáo dân đi lễ nhà thờ, vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội, cho biết, từ đầu mùa dịch đến nay, cùng với việc quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, huyện Thạch Hà cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể, nếu để xảy ra những vụ việc không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, chứ chưa nói đến việc để xảy ra nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nơi đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo của huyện và UBND huyện.
Liên quan vụ việc giáo dân của huyện đi lễ nhà thờ, huyện đã thành lập các tổ công tác xuống làm việc trực tiếp với linh mục của những giáo xứ thực hiện chưa tốt, để thông tin rõ hơn về các hoạt động tín ngưỡng theo quy định của pháp luật và Nhà nước cũng như các nhiệm vụ phòng chống dịch của địa phương và Trung ương. Đặc biệt, kiến nghị với Tòa Giám mục để có những chấn chỉnh kịp thời đối với các giáo xứ, giáo họ không chấp hành.
Cùng với đó, huyện đang rà soát các hồ sơ, trên cơ sở các hành vi vi phạm của những giáo xứ, giáo họ không chấp hành để có những biện pháp cứng rắn, xử lý theo đúng quy định hiện hành, tùy theo mức độ vi phạm.
"Nếu như tới đây tiếp tục xảy ra tình trạng như vừa qua, chúng tôi sẽ đình chỉ ngay công tác của người đứng đầu những địa phương đó, sau khi đình chỉ sẽ có quy trình để xử lý cán bộ theo đúng quy định của pháp luật, cương quyết như thế", ông Hương nêu rõ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cũng cho biết, sau vụ việc này, huyện tập trung cao độ hơn nữa vào công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống truyền thanh, tờ rơi, cả hệ thống chính trị của huyện đồng loạt ra quân tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ để bà con trong huyện, đặc biệt giáo dân hiểu rõ hơn nữa về dịch bệnh Covid-19, các biện pháp phòng tránh, đặc biệt là hiểu rõ hơn về các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chỉ đạo phong chống dịch bệnh của tỉnh, để nâng cao nhận thức của bà con về phòng chống dịch, đặc biệt là chủ trương rất lớn hiện đang triển khai trên cả nước là giãn cách xã hội, không ra khỏi nhà, không tụ tập đông người.
"Với cách làm này, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới bà con nhân dân sẽ hiểu hơn để rồi chấp hành tốt hơn các chỉ thị, chỉ đạo cũng như các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, góp phần vào công cuộc chống dịch trong cả nước", ông Hương bày tỏ.
Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn, Trưởng BCĐ phòng chống dịch huyện tiếp nhận quà từ một gia đình ở Thị trấn Phát Diệm ủng hộ cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. |
Ở giai đoạn 2 của dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) chỉ có duy nhất 1 ca bệnh số 170 dương tính. Tuy nhiên, quán triệt chỉ đạo của Trung ương cũng như của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, huyện đã tuân thủ và triển khai đầy đủ các bước trong quy trình chống dịch, đặc biệt là công tác tìm và phát hiện các trường hợp có liên quan, tiếp xúc gần với người bệnh để thực hiện cách ly y tế. Đến nay, các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh này đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Liên quan việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, ông Đỗ Hùng Sơn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, huyện đã thành lập ở mỗi xã một đoàn kiểm tra để giám sát việc thực hiện của người dân.
Huyện cũng làm việc và thống nhất với tòa giám mục thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, tất cả các giáo xứ trên địa bàn huyện không tập trung lễ nhà thờ mà tổ chức cầu nguyện tại nhà, được bà con giáo dân ủng hộ và tuân thủ nghiêm túc. Đặc biệt những gia đình có người mất trong thời điểm này, linh mục cũng khuyến cáo không đưa vào nhà thờ làm lễ mà tổ chức ngay tại nhà với nghi thức ngắn gọn, hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Những người tham gia tang lễ đều phải đeo khẩu trang, trước, trong và sau khi tham dự đều phải tuân thủ phun khử khuẩn.
Hiện các chùa chiền cũng như các xứ, họ đạo trên địa bàn huyện đều thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng. Qua làm việc với tòa giám mục, riêng nhà thờ đá Phát Diệm từ ngày 25/3 đã dừng đón khách tham quan.
Đặc biệt, để nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống dịch, huyện Kim Sơn đã quán triệt trực tiếp tới Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn mình phụ trách, khi người dân không thực hiện đúng quy định phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo và Sở Y tế tỉnh Ninh Bình; đồng thời thành lập các tổ công tác của huyện để kiểm tra trách nhiệm của các chủ tịch xã trong việc triển khai.
Cùng với đó, huyện xác định vẫn phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, hiểu rõ ý nghĩa của việc giãn cách xã hội, để người dân hạn chế ra đường, hạn chế tụ tập đông người. Đặc biệt ở các khu chợ dân sinh của các xã cũng có các tổ công tác do xã thành lập để hướng dẫn, kiểm tra, thậm chí xử phạt những trường hợp không thực hiện quy định phòng chống dịch.
Gần đây, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo tất cả các trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch đều phải xử lý nghiêm túc để ngăn chặn kịp thời nguy cơ lây lan dịch bệnh. UBND huyện cũng đã quán triệt chỉ đạo này, báo cáo Ban thường vụ huyện ủy để có chỉ đạo chung tới Bí thư, Chủ tịch các xã, thị trấn đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, đôn đốc thường xuyên việc chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Nếu địa phương nào để xảy ra sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ huyện ủy và UBND huyện.
Được biết, tại tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Thiệu Hóa đã quyết định đình chỉ công tác 7 ngày đối với Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Tân Châu khi để cho 2 gia đình trong xã tổ chức đám cưới, tụ tập đông người trái quy định trên địa bàn trong mùa dịch.
Còn tại Quảng Nam, tuy chưa xảy ra sai phạm nghiêm trọng, nhưng Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường vẫn nêu rõ, địa phương nào để xảy ra một ổ dịch do chủ quan thì Bí thư, Chủ tịch huyện, thị xã, thành phố đó phải chịu trách nhiệm. Nếu để xảy ra dịch thì sắp tới không cơ cấu vào cấp ủy.
Ông Cường cũng khẳng định trong thời điểm tập trung toàn bộ sức lực cho chống dịch, nếu cán bộ công chức, lãnh đạo, cán bộ đảng viên nào tổ chức đám cưới cho con em thì sẽ bị kỷ luật, cách chức và cho nghỉ việc ngay lập tức./.
Uyển Thanh/VOV.VN