Chính sách phù hợp giảm nguy cơ doanh nghiệp phá sản

Chủ nhật, 12.04.2020 | 09:47:25
491 lượt xem

Trong dịch bệnh cần có những chính sách nâng đỡ một cách thiết thực để doanh nghiệp có thể bứt phá khi dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi hoàn toàn.

Dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu đang là một thách thức với tất cả các nền kinh tế và dẫn tới nguy cơ kinh tế thế giới tăng trưởng bằng 0, thậm chí không loại trừ khả năng sẽ có những quốc gia tăng trưởng âm nếu dịch kéo dài hết năm nay. Là một nền kinh tế có độ mở lớn nhưng nội lực thấp, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn cả giai đoạn trong và sau dịch.

Ngoài những khó khăn có thể nhìn thấy trước mắt như hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội, hàng triệu người lao động sẽ phải tạm ngừng việc, không có thu nhập; tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất, khó tìm được đầu ra bởi các thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam cũng đang lao đao vì dịch bệnh sẽ khiến nhiều doanh nghiệp có thể đứng trên bờ vực phá sản. Dự kiến doanh thu của các tập đoàn, Tổng công ty quý 1/2020 có thể giảm khoảng 27.376 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch.

chinh sach phu hop giam nguy co doanh nghiep pha san hinh 1

Nếu có chính sách phù hợp sẽ giảm nguy cơ doanh nghiệp phá sản. (Ảnh minh họa)

Để ngăn chặn nguy cơ phá sản của doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ ngành chức năng tìm ra những giải pháp tháo gỡ, như gói 250.000 tỷ đồng của các ngân hàng dành cho khách hàng là doanh nghiệp, các đề xuất giảm thuế, giãn thuế, giảm giá điện hay việc giảm giá xăng dầu xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua cũng được coi là những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, những việc làm này vẫn thiếu tính thực tiễn. Mức giảm 10% giá điện không đủ để bù đắp chi phí đang chiếm tới 10% - 50% giá thành sản xuất. Nhiều doanh nghiệp than phiền vì rất khó tiếp cận gói 250.000 tỷ đồng của các ngân hàng. Dù được giảm giá xăng dầu nhưng nguy cơ ngành vận tải vẫn phải đối mặt với thua lỗ lớn...

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc cần làm nhất là các Bộ ngành chức năng rà soát, sửa đổi các chính sách không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của kinh tế cũng như yêu cầu của doanh nghiệp.

Ví dụ như, những vướng mắc khi Bộ Tài chính không cho hồi tố với những doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã bị áp trần lãi vay trong Nghị định 20/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Mặc dù bất cập trần lãi vay đã được Bộ Tài chính sửa đổi nâng từ 20% lên 30%, song không áp dụng hồi tố cho các năm tài chính 2017, 2018 khiến nhiều doanh nghiệp chịu thiệt thòi.

Trong suốt 5 năm qua, Chính phủ nỗ lực kiến tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong dịch bệnh càng cần những chính sách nâng đỡ một cách thiết thực để khối doanh nghiệp có thể bứt phá khi dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi hoàn toàn./.

PV/Báo Tiếng nói Việt Nam

https://vov.vn/kinh-te/chinh-sach-phu-hop-giam-nguy-co-doanh-nghiep-pha-san-1035890.vov


  • Từ khóa