Xuất khẩu 400.000 tấn gạo: Bất cập quy định về quản lý hạn ngạch

Thứ 6, 17.04.2020 | 14:47:46
687 lượt xem

Theo đại diện Tổng cục Hải quan, việc phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo nếu còn diễn ra trong tháng 5 thì tiếp tục còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2969 gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương báo cáo về tình hình triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu (XK) trong tháng 4/2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 3 văn bản số 2827 ngày 14/4 của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, yêu cầu Tổng cục Hải quan nêu cụ thể vể quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương trong việc này. Văn bản cũng nêu rõ: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung này trước ngày 18/4. 

Về nội dung này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Hải quan, Tổng cục Hải quan.

xuat khau 400.000 tan gao: bat cap trong quy dinh ve quan ly han ngach hinh 1
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, việc phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo có nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: KT)

Phóng viên: Thưa ông, các thương nhân cho rằng việc đăng ký tờ khai đã được triển khai lúc 0 giờ ngày 12/4 và kết thúc chỉ sau 2 tiếng 30 phút cùng ngày, đã có các doanh nhân đăng ký đủ số lượng xuất khẩu 400.000 tấn gạo. Vì thế, các thương nhân chưa mở được tờ khai đang có hàng sẵn sàng trên cảng không được phép xuất khẩu và phải đối diện với tất cả các chi phí phát sinh từ các container hàng trên cảng. Là cơ quan giám sát hàng hóa, Tổng cục Hải quan, ông cho biết tại sao Hải quan lại mở đăng ký tờ khai lúc 0h và trình tự mở tờ khai này có theo quy định nào không?

Ông Âu Anh Tuấn: Việc đăng ký tờ khai của hải quan hiện nay là thực hiện trên hệ thống tự động 24/7. Trước đây, khi mà tạm dừng XK gạo thì Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính và cơ quan Hải quan là dừng đăng ký tờ khai từ 0h ngày 24/3 và đến trước thời điểm ngày 11/4 vừa rồi thì cơ quan hải quan đã dừng tờ khai đối với tất cả lô hàng gạo xuất khẩu. Còn vừa rồi Bộ Công Thương trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì cho phép xuất khẩu lại và số lượng hạn ngạch là 400.000 tấn. Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1106, áp dụng từ 0h ngày 11/4 và cơ quan Hải quan nhận được văn bản của Bộ Công Thương vào trưa ngày 11/4 ngày thứ bảy và ngay sau khi nhận được thì cơ quan Hải quan đã thiết lập các tiêu chí quản lý trên hệ thống  theo đúng nguyên tắc quản lý  trong Quyết định 1106 của Bộ Công Thương. 

Cụ thể, cơ quan Hải quan sẽ thực hiện việc trừ lùi hạn ngạch, tờ khai đăng ký trước thì sẽ được thực hiện thủ tục trước và trừ lùi cho đến khi hết lượng 400.000 tấn. Còn tờ khai nào mà mở chạm mốc 400.000 tấn và vượt mốc 400.000 tấn là không được đăng ký tờ khai. Việc thiết lập hệ thống như vậy là hoàn toàn đúng nguyên tắc quản lý tại Quyết định 1106 của Bộ Công Thương. Và thực tế trong ngày thứ 7 thì cơ quan hải quan đã xây dựng các tiêu chí và thiết lập hệ thống và áp dụng từ 0h ngày 12/4. Do vậy cũng phát sinh một số trường hợp mà doanh nghiệp đăng ký tờ khai nhưng khi đăng ký thì hệ thống báo đã hết hạn ngạch và không đăng ký được nữa. 

Đây đúng là bất cập của các quy định về quản lý hạn ngạch, Bộ Công Thương thì không phân bổ hạn ngạch cho từng doanh nghiệp, thời gian thông báo trước cho doanh nghiệp cũng khá ngắn và thông báo cho cơ quan Hải quan trong thời gian cũng ngắn, dẫn đến cơ quan Hải quan bị động và các doanh nghiệp cũng bị động. Và việc phân bổ hạn ngạch này nếu còn diễn ra trong tháng 5 nữa thì tiếp tục còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ rất bị động trong việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu của mình do không biết có được đăng ký tờ khai xuất khẩu hay không hay là khi đăng ký thì đã hết hạn ngạch rồi.

Phóng viên: Đại diện Tổng cục Hải quan, ông có ý kiến như thế nào về nghi vấn của dư luận là thiếu minh bạch trong thực hiện thủ tục đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo?

Ông Âu Anh Tuấn: Cơ quan Hải quan khẳng định việc thực hiện đăng ký tờ khai trên hệ thống là hoàn toàn minh bạch. Đối với tất cả các mặt hàng trước đây khi cho phép xuất khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu thì đều từ 0h và hệ thống cho phép đăng ký 24/7, không có giới hạn là ban ngày hay ban đêm, ngày nghỉ hay ngày lễ, lúc nào doanh nghiệp vào là cũng đăng ký được. 

Sau khi hải quan thiết lập hệ thống xong thì sẽ áp dụng từ 0h và hoàn toàn có thể khẳng định là không có sự can thiệp của công chức hải quan cũng như là không có tiêu cực hoặc là ưu ái cho doanh nghiệp nào hay là trục lợi chính sách ở đây. 

Cơ quan Hải quan hoàn toàn minh bạch trong việc tiếp nhận cũng như đăng ký tờ khai cho các doanh nghiệp đăng ký theo đúng nguyên tắc là doanh nghiệp nào nộp tờ khai trước thì sẽ được đăng ký trước và theo đúng nguyên tắc của Bộ Công Thương đưa ra là khi đăng ký tờ khai sẽ trừ lùi vào hạn ngạch 400.000 tấn cho đến khi hết.

Phóng viên: Thưa ông, đến nay thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ, một số Bộ ngành, trong đó có Tổng cục Hải quan và các đơn vị khác có liên quan về những bất cập, khó khăn gặp phải của các thương nhân khi mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo. Và có một số ý kiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo đề xuất là ngành Hải quan hủy đăng ký này vì họ cho rằng không minh bạch từ hải quan. Ông cho ý kiến cụ thể về vấn đề này?

Ông Âu Anh Tuấn: Chúng tôi cũng nhận được kiến nghị của Hiệp hội Lương  thực Việt Nam thì không phải họ kiến nghị hủy toàn bộ các tờ khai đã đăng ký trên hệ thống. Đối với kiến nghị của Hiệp hội Lương thực Việt Nam gửi cho các cơ quan liên quan, trong đó có kiến nghị là hủy các tờ khai đã chuyển của thương nhân trên hệ thống nếu phát hiện tờ khai khống số lượng, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa. Về nội dung này, Tổng cục Hải quan ghi nhận và sẽ kiểm tra. 

Trường hợp mà rơi vào luồng đỏ, yêu cầu xuất trình hàng hóa mà doanh nghiệp không xuất trình được hàng hóa trong thời hạn 15 ngày theo quy định của Luật thì tờ khai sẽ bị hủy; hoặc là doanh nghiệp khai khống số lượng, khai khống số container mà hải quan phát hiện ra thì chúng tôi sẽ xử lý các tờ khai đó. Nội dung này chúng tôi cũng đã ghi nhận và hải quan địa phương cũng đang thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về thủ tục hải quan. Trường hợp phát hiện ra hàng hóa đã đăng ký tờ khai nhưng không xuất trình được hàng hóa khi hải quan yêu cầu kiểm hóa trong thời hạn nhất định cơ quan hải quan sẽ thực hiện xử lý và hủy các tờ khai theo đúng quy định của pháp luật.

Phóng viên: Thực tế đăng ký hải quan vừa rồi, có doanh nghiệp như Intimex đăng ký được nhiều tờ khai, chiếm tới 1/4 hạn ngạch xuất khẩu gạo  tháng 4. Theo ông, ở lĩnh vực hải quan thì điều này có điều gì bất thường?

Ông Âu Anh Tuấn: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex đã đăng ký được 102 tờ khai, với số lượng đăng ký là 96.234 tấn, chiếm đến gần 1/4 là 25% tổng hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 4. Doanh nghiệp theo đúng hệ thống hải quan thiết lập; theo đúng nguyên tắc của Bộ Công Thương là doanh nghiệp đăng ký tờ khai trước thì được trừ lùi hạn ngạch trước và theo thống kê của chúng tôi, họ đăng ký trong khoảng thời gian sau 0h  ngày 12/4 đến hơn 2h ngày 12/4. Do đó, hải quan không có lý do gì để từ chối hoặc là ngăn cản doanh nghiệp đăng ký trong trường hợp này được. 

Tuy nhiên, trong  trường hợp này cũng dẫn đến những bất cập trong việc quản lý và điều hành xuất khẩu gạo. Cái này chúng tôi cũng đã cảnh báo và cũng đã đưa ra ý kiến với Bộ Công Thương là nếu áp dụng nguyên tắc phân bổ hạn ngạch theo tháng như thế này cho tất cả các doanh nghiệp và hải quan trừ lùi thì dẫn đến việc doanh nghiệp sẽ bị động trong chính sách. Trong văn bản Bộ Tài chính ký gửi Bộ Công Thương cũng đã có nêu, tuy nhiên Bộ Công Thương chưa ghi nhận ý kiến của Bộ Tài chính để Báo cáo Thủ tướng, dẫn đến khi thực hiện thì phát sinh những bất cập mà các doanh nghiệp đã phản ánh cũng như cơ quan Hải quan và doanh nghiệp bị động trong việc này.

Phóng viên: Thưa ông, cơ quan Hải quan thực hiện kiểm soát rủi ro, nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện xuất khẩu thì có giải pháp gì?

Ông Âu Anh Tuấn: Về điều kiện xuất khẩu gạo thì được quy định tại Nghị định 107 của Chính phủ, doanh nghiệp chỉ cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định do Bộ Công Thương cấp thì đủ điều kiện xuất khẩu. Và khi hải quan kiểm tra hồ sơ sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy đó. Nếu doanh nghiệp có giấy thì doanh nghiệp được xuất khẩu bình thường, còn nếu doanh nghiệp nào không có giấy thì cơ quan hải quan sẽ không cho xuất khẩu gạo theo đúng Nghị định 107.

Phóng viên: Trong yêu cầu của Phó Thủ tướng có nói là trước ngày 18/4, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phải có trách nhiệm báo cáo Chính phủ về các nội dung liên quan đến xuất khẩu gạo tháng 4. Vậy đến thời điểm này Tổng cục hải quan đã có kế hoạch trình Bộ Tài chính và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ra sao?

Ông Âu Anh Tuấn: Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị báo cáo Bộ Tài chính, Báo cáo Thủ tướng chính phủ về tình hình thực hiện thủ tục hải quan, đăng ký tờ khai đối với mặt hàng gạo xuất khẩu sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo và Bộ Công Thương thì công bố hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 năm 2020. Nội dung này chúng tôi đang tổng hợp ý kiến của các đơn vị liên quan và sẽ báo cáo Thủ tướng trong ngày 17/4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phóng viên: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông./.


Phạm Hạnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-400000-tan-gao-bat-cap-quy-dinh-ve-quan-ly-han-ngach-1038336.vov

  • Từ khóa