Quản lý sản xuất rượu thủ công không mục đích kinh doanh: Còn nhiều khó khăn

Thứ 6, 11.03.2022 | 14:41:18
801 lượt xem

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công (RTC), từ tháng 6/2020 đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương để triển khai đồng bộ các giải pháp. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, cho thấy còn nhiều khó khăn khiến các giải pháp đưa ra chưa đạt được hiệu quả cao.

RTC được sản xuất nhằm mục đích kinh doanh và sản xuất không nhằm mục đích kinh doanh. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có trên 5.600 cơ sở sản xuất RTC, trong đó, hơn 95% là cơ sở sản xuất RTC không đăng ký mục đích kinh doanh. Tổng sản lượng rượu từ các cơ sở này ước đạt trên 4 triệu lít.

Người dân xã Công Sơn, huyện Cao Lộc nấu rượu thủ công tại gia đình.  Ảnh: BÙI DŨNG

Theo đánh giá, sản lượng rượu như trên là quá lớn so với nhu cầu tự sử dụng, cho thấy một lượng lớn RTC vẫn được bán trên thị trường dưới nhiều hình thức. Việc một lượng lớn rượu tiêu thụ khó kiểm soát trên thị trường hiện nay đã và đang gây thất thu ngân sách Nhà nước; thiếu công bằng với các cơ sở kinh doanh rượu có giấy phép do không phải chịu các chi phí về tuân thủ pháp luật (cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy phép sản xuất rượu; tem rượu; thuế tiêu thụ đặc biệt…). Đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và các hệ luỵ từ sử dụng rượu, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Để quản lý hoạt động sản xuất RTC, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân có sản lượng rượu lớn đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị, giải pháp hiện tại chưa đủ căn cơ, vẫn rất khó để kiểm soát, quản lý sản lượng, chất lượng rượu đưa vào thị trường.

Đơn cử, Cao Lộc là một trong những huyện có sản lượng RTC lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có khoảng 530 hộ sản xuất RTC không đăng ký mục đích kinh doanh, sản lượng khoảng 500.000 lít mỗi năm. Ông Hoàng Văn Sỹ, Phó Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Cao Lộc cho biết: Dù đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng phải đến tháng 11/2021, cả huyện mới có 2 gia đình đăng ký kinh doanh RTC. Trong khi trên thực tế, ngoài nhu cầu tự sử dụng, nhiều hộ dân còn bán rượu cho các cơ sở kinh doanh có giấy phép, hoặc bán cho khách từ các địa phương khác tới tìm mua. Việc bán rượu diễn ra không theo thời gian, quy luật, không có hoá đơn, sổ sách và cũng không rõ số lượng và giá cả nên rất khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý.

Không chỉ tại huyện Cao Lộc, việc nắm bắt, quản lý hoạt động sản xuất RTC không nhằm mục đích kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân đến từ nhiều phía như: địa bàn trải rộng, nhiều hộ sản xuất với sản lượng không đều; các quy định hiện hành còn có sự mâu thuẫn, khó làm căn cứ áp dụng; thị hiếu của người dùng vẫn yêu thích các loại RTC và tự đi tìm mua…

Cụ thể, hiện nay, các quy định vẫn còn những điểm mâu thuẫn, gây khó khăn trong việc hướng dẫn các hộ dân thực hiện. Đơn cử như: hoạt động sản xuất RTC không nhằm mục đích kinh doanh đối chiếu theo Luật An toàn thực phẩm và quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm chưa phân rõ đối tượng này thuộc cơ sở sản xuất loại nào để quản lý, do hoạt động sản xuất RTC không nhằm mục đích kinh doanh chỉ để cho gia đình sử dụng, biếu, tặng,… dẫn đến việc hướng dẫn các hộ dân thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm là chưa đủ cơ sở để thực hiện theo nghị định trên.

Mặt khác, nhiều tổ chức, cá nhân vô tình hoặc cố ý tìm cách tránh không thực hiện các thủ tục pháp lý để sản xuất đúng quy định. Điều này diễn ra phổ biến, trải rộng tại các khu vực thôn, bản, do đó, việc thực thi hoạt động kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng là không hiệu quả và không đáp ứng được yêu cầu quản lý, dẫn đến RTC thuộc nhóm sản phẩm hàng hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Lã Đức Đoàn, Phó Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Chúng tôi đã và đang tích cực phối hợp với các địa phương để tiếp tục rà soát, xây dựng các giải pháp như: vận động các hộ dân thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp; ký cam kết về việc không bán rượu ra thị trường, hoặc nếu có thì cam kết kê khai đầy đủ, trung thực với UBND cấp xã về sản lượng rượu đã bán ra. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, sớm ban hành các quy định, hướng dẫn để làm căn cứ xây dựng và triển khai thực hiện những giải pháp tiếp theo.

Với những giải pháp đề ra, hy vọng thời gian tới, những khó khăn trong quản lý sản xuất RTC không nhằm mục đích kinh doanh sẽ dần được tháo gỡ, góp phần bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân và hạn chế các tác hại của rượu, bia.


ĐẶNG DŨNG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/486367-quan-ly-san-xuat-ruou-thu-cong-khong-muc-dich-kinh-doanh-con-nhieu-kho-khan.html

  • Từ khóa