Siết chặt kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp

Thứ 5, 23.03.2023 | 14:52:41
796 lượt xem

Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào gieo trồng các loại cây vụ xuân. Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho sản xuất, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp (VTNN). Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người kinh doanh, giảm thiểu vi phạm trong lĩnh vực này, hạn chế được rủi ro cho người dân.

Đẩy mạnh kiểm tra

Hữu Lũng là huyện có số lượng cơ sở kinh doanh VTNN nhiều của tỉnh với 92 cửa hàng, đại lý.

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ cơ sở kinh doanh VTNN tại thôn Na Hoa, xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: Ý thức được việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh, tôi luôn nhập phân bón từ Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Lạng Sơn để bán, bởi đây là công ty chiếm hơn 90% thị phần phân bón trên địa bàn tỉnh; các sản phẩm đều có nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có ghi hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng. Tại cửa hàng, tôi treo biển niêm yết giá đầy đủ với từng loại phân bón để người dân nắm được.

Cán bộ Đội QLTT số 7, phụ trách địa bàn huyện Tràng Định kiểm tra cơ sở kinh doanh VTNN trên địa bàn huyện Tràng Định

Không chỉ cơ sở kinh doanh VTNN của bà Nga, thời gian qua, các cơ sở kinh doanh VTNN trên địa bàn huyện Hữu Lũng đều cơ bản chấp hành các quy định về kinh doanh. Từ đầu năm 2023 đến nay, đoàn công tác liên ngành về kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công tác thú y của huyện đã kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh VTNN, qua đó xử phạt 3 cơ sở vi phạm. Ông Hoàng Cao Thượng, Đội phó Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, phụ trách địa bàn huyện Hữu Lũng (trưởng đoàn kiểm tra) cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản các hộ kinh doanh trên địa bàn đã chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về kinh doanh VTNN, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân. Trong các cuộc kiểm tra, đoàn đều tuyên truyền, hướng dẫn người dân về quy định của pháp luật đối với kinh doanh VTNN để các hộ nắm rõ và thực hiện.

Hiện nay, cả tỉnh có trên 900 cơ sở kinh doanh mặt hàng VTNN. Ngay từ đầu năm 2023, để kiểm soát chặt chẽ thị trường VTNN, đảm bảo nguồn hàng chất lượng cho bà con, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tham mưu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với cơ quan QLTT (do QLTT chủ trì) kiểm tra nhóm ngành hàng VTNN.

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành tại các huyện, thành phố đã kiểm tra 25 cơ sở kinh doanh VTNN, qua đó xử phạt 6 cơ sở với số tiền 18 triệu đồng, các hành vi vi phạm chủ yếu như: không niêm yết giá, kinh doanh vật tư quá hạn sử dụng… Bên cạnh kiểm tra, đoàn công tác còn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về kinh doanh VTNN. Ngoài kiểm tra theo kế hoạch, các đoàn sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc khi có phản ánh của người dân. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, cục đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức lấy mẫu phân bón tại 4 cơ sở kinh doanh VTNN gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm, phân tích chất lượng (hiện đang chờ kết quả).

Cán bộ Đội QLTT số 4, phụ trách địa bàn huyện Hữu Lũng kiểm tra cơ sở kinh doanh VTNN trên địa bàn xã Hồ Sơn

Cùng với đoàn kiểm tra liên ngành của các huyện, thành phố, ngay từ đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt kế hoạch kiểm tra của đơn vị chuyên môn trực thuộc sở, cụ thể là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV). Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, chi cục đã phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra 25 cơ sở kinh doanh VTNN. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở cơ bản đáp ứng được các quy định về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng, không vi phạm quy định của pháp luật.

Nhờ sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, công tác kiểm soát thị trường VTNN có nhiều tiến triển. Qua kiểm tra, ý thức của người kinh doanh ngày càng được nâng cao, đến nay, số cơ sở kinh doanh VTNN đảm bảo yêu cầu về giấy phép kinh doanh trên địa bàn tỉnh đạt 100%.

  Tăng cường tuyên truyền, tập huấn

Bên cạnh kiểm tra, kiểm soát, hằng năm, Chi cục Trồng trọt và BVTV còn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, thuốc BVTV cho các hộ kinh doanh. Cụ thể: từ năm 2022 đến nay, chi cục tổ chức được 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, thuốc BVTV, kiến thức chuyên môn và văn bản pháp luật mới cho 389 người.

Ngoài ra, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố đã chủ động tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc tập huấn chuyển giao qua học kỹ thuật (trung bình mỗi năm trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tuyên truyền lồng ghép được từ 15 đến 20 cuộc). Qua đó, hướng dẫn người dân lựa chọn VTNN phù hợp, sử dụng đúng thời điểm  thích hợp cho cây trồng, vật nuôi, nhờ đó, người dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng và vật nuôi trên địa bàn.

Bà Vi Thị Nga, thôn Bản Noóc, xã An Sơn, huyện Văn Quan cho biết: Tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp, tôi  được tuyên truyền cách sử dụng loại phân bón cũng như lượng phân bón cho cây trồng sao cho phù hợp để cây có thể sinh trưởng, phát triển tốt. Cùng đó, chúng tôi được giới thiệu các đại lý bán vật tư nông nghiệp có chất lượng trên địa bàn huyện, vì thế, vụ lúa xuân này, tôi tiếp tục mua phân bón ở các đại lý uy tín, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng VTNN, chi cục tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo sản xuất an toàn cho phát triển bền vững. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân lựa chọn sử dụng những vật tư đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của các đơn vị doanh nghiệp có uy tín trên thị trường vì sự an toàn của bản thân, cộng đồng và vì sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp.

Một số mức xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh VTNN

* Điều 7, Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón quy định:

– Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi xếp đặt chung, để lẫn phân bón với một trong các loại hàng hóa khác như lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y.

– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi tự ý viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa, làm thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón…

– Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với trường hợp buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón…

 * Theo Điều 25, Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 6/5/2016 của Chính Phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật

– Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật khi giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn…

– Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc…

– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với một trong các hành vi hướng dẫn sử dụng cho người mua thuốc bảo vệ thực vật không đúng nội dung trên nhãn thuốc; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật dưới dạng ống tiêm thủy tinh…


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/569689-siet-chat-kiem-soat-chat-luong-vat-tu-nong-nghiep.html

  • Từ khóa