Thực hiện thủ tục hành chính ở Thành phố Lạng Sơn: Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ thông tin

Thứ 2, 27.03.2023 | 14:57:12
1,050 lượt xem

Thời gian qua, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã đạt nhiều kết quả tích cực, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, tạo ấn tượng tốt đối với cá nhân, tổ chức. Đạt được kết quả như trên, UBND thành phố đã quan tâm, đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC.

Hiện nay, thành phố Lạng Sơn có 263 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị cấp thành phố; 109 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã. Nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh Lạng Sơn, thành phố hiện có 8 phường, xã với dân số hơn 153.000 người, trung bình mỗi năm, bộ phận “một cửa” các cấp trên địa bàn thành phố tiếp nhận trên 60.000 hồ sơ TTHC. Với khối lượng công việc như vậy, ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC là việc làm cần thiết và quan trọng nhằm giảm phiền hà cho cá nhân, tổ chức. Theo đó, UBND thành phố đã chủ động triển khai có hiệu quả nội dung này.

Người dân được cán bộ đoàn thanh niên phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn tra cứu thông tin hồ sơ TTHC trực tuyến trên điện thoại thông minh

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Hằng năm, chúng tôi đã ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT, tăng cường tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường mạng. Đồng thời, chúng tôi chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, UBND cấp xã tăng cường ứng dụng CNTT trong quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC, đảm bảo nhanh gọn, chính xác, gắn trách nhiệm với người đứng đầu. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện, chúng tôi đã đưa nội dung này vào nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện hằng năm; giao Văn phòng HĐND&UBND thành phố làm đầu mối thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo với lãnh đạo UBND thành phố.

Cùng với đó, UBND thành phố bố trí trụ sở làm việc của bộ phận “một cửa” cấp huyện với diện tích trên 150 m2, trang bị đầy đủ máy tính, máy in, máy scan, tivi, cung cấp mạng Internet miễn phí để phục vụ cá nhân, tổ chức. Đối với cấp xã, UBND thành phố yêu cầu UBND các phường, xã bố trí trụ sở, trang thiết bị tại bộ phận “một cửa” theo đúng quy định, phục vụ quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Mai Pha là một trong những đơn vị cấp xã tích cực ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, bộ phận “một cửa” xã đã tiếp nhận và giải quyết trước, đúng hạn 3.246 hồ sơ, đạt 100%. Ông Hoàng Thạch Cơ, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Pha cho biết: Chúng tôi đã bố trí 3 máy tính, 3 máy in và 1 máy scan cho công chức đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ TTHC diễn ra thuận lợi; các máy tính đều kết nối internet để chuyển gửi thông tin, dữ liệu hồ sơ TTHC qua mạng. Mặt khác, chúng tôi cũng thường xuyên cử đội ngũ công chức tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC do thành phố tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ.

Song song với đầu tư cơ sở vật chất, UBND thành phố đã rà soát, triển khai tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ TTHC qua Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tỉnh với 191 TTHC, trong đó có 44 TTHC một phần; 147 TTHC toàn trình. UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử đảm bảo đúng quy trình. Nhờ đó, tính riêng từ năm 2022 đến nay, bộ phận “một cửa” các cấp trên địa bàn thành phố tiếp nhận 61.387 hồ sơ thì có 32,60% (20.018 hồ sơ) trực tuyến và 100% hồ sơ  trực tuyến được giải quyết đúng hạn. Đây là một trong những đơn vị trong khối UBND cấp huyện dẫn đầu trong việc thực hiện TTHC qua DVCTT trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, UBND thành phố cũng thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát cải cách TTHC, trong đó bao gồm nội dung thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, trong năm 2022, đoàn đã kiểm tra 3 phòng chuyên môn và 2 phường, xã, qua đó, kịp thời ghi nhận những kết quả đạt được và nhắc nhở khắc phục hạn chế trong việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC.

Nhờ những giải pháp như vậy, chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, bộ phận “một cửa” các cấp trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận 61.387 hồ sơ TTHC, đã giải quyết 61.283 hồ sơ, trong đó, có 61.257 hồ sơ TTHC giải quyết trước và đúng hạn, đạt 99,95%. Đặc biệt, năm 2022,  UBND thành phố đứng thứ hai trong khối cấp huyện về kết quả đo lường tỷ lệ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (đạt 98,02%), trong đó có đóng góp của việc ứng dụng hiệu quả CNTT trong giải quyết TTHC.

Anh Đinh Như Thành, đường Tam Thanh, phường Tam Thanh cho biết: Do nhu cầu đăng ký hộ kinh doanh, tôi đã đến bộ phận một cửa thành phố để nộp hồ sơ. Quy trình tiếp nhận bây giờ hiện đại lắm, tất cả đều có máy móc hỗ trợ nên chỉ ít phút tôi đã hoàn tất việc nộp hồ sơ. Ngoài ra, tôi còn được công chức hướng dẫn tạo tài khoản nộp hồ sơ trực tuyến.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Việc ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết TTHC tại chính quyền các cấp giúp người dân theo dõi, giám sát được quá trình xử lý hồ sơ TTHC của các cơ quan Nhà nước. Là một trong những đơn vị thực hiện tốt nội dung này, thời gian qua, UBND thành phố Lạng Sơn đã có sự quan tâm, triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là tăng cường hướng dẫn, truyên truyền cho người dân trong việc nộp hồ sơ trực tuyến. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua DVCTT luôn ở mức cao, đóng góp quan trọng vào kết quả chung trong công tác chuyển đổi số của tỉnh.

Việc ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết TTHC đã góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách TTHC của thành phố. Thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục ưu tiên đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận “một cửa”; tập trung triển khai các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ hồ sơ thực hiện trên môi trường điện tử.

Theo Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, DVCTT toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về TTHC, thực hiện và giải quyết TTHC đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. DVCTT một phần là dịch vụ không bảo đảm các điều kiện của DVCTT toàn trình.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/570535-thuc-hien-thu-tuc-hanh-chinh-o-thanh-pho-lang-son-hieu-qua-tu-viec-ung-dung-cong-nghe-thong-tin.html

  • Từ khóa