Sáng 31/3, Tổ công tác của Đoàn giám sát số II của Quốc hội do đồng chí Đinh Ngọc Minh, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội làm tổ trưởng đã có buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn về triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) trên địa bàn tỉnh.
Tổ công tác của Đoàn giám sát số II Quốc hội làm việc với tỉnh Lạng Sơn về triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Làm việc với Tổ công tác có các đồng chí: Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Hữu Học, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Hiện nay, 3 CTMTQG thực hiện trên địa bàn tỉnh gồm: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các CTMTQG này đã được tỉnh Lạng Sơn tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư và chuyển biến đáng kể; diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng lên.
Để thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh dự kiến nhu cầu nguồn kinh phí khoảng 36 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước trực tiếp thực hiện các CTMTQG khoảng 18,8 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng và huy động khác khoảng 17,2 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ mới giao vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương, chưa có thông báo vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện các CTMTQG cho cả giai đoạn 2021 – 2025. Kết quả thực hiện 3 CTMTQG, đến hết năm 2022, tỉnh có 1 đơn vị cấp huyện được công nhận huyện nông thôn mới; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 47,5%; tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao đạt 20% số xã nông thôn mới; tỷ lệ xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt 2,3% số xã nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025) giảm 3,28% so với năm 2021 từ 12.2% xuống còn 8,92%, tương đương giảm 6.013 hộ, đạt 109% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 10,42% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số, tương đương 16.664/159.826 hộ, giảm 3,15% so với năm 2021, vượt 105% so với mục tiêu đề ra…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, nêu ý kiến về một số nội dung còn vướng mắc, hạn chế trong thực hiện 3 CTMTQG tại tỉnh, trong đó tập trung vào việc phân bổ vốn, khó khăn trong thực hiện tỷ lệ đối ứng của địa phương; vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản; duy trì tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; các kiến nghị về cơ chế chính sách theo hướng phân nhóm đối tượng thụ hưởng hoặc phù hợp với tình hình thực tế các địa phương; việc hỗ trợ phát triển sản xuất, cách thức tổ chức tuyên truyền, đào tạo nghề; hướng dẫn kịp thời của các bộ, ngành liên quan về thực hiện các tiểu dự án, đề án, mục tiêu, chỉ tiêu của từng CTMTQG…
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm rõ thêm một số nội dung tổ công tác quan tâm; đồng thời, đề nghị tổ công tác xem xét, tổng hợp các khó khăn của tỉnh Lạng Sơn, báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tỉnh để thời gian tới thực hiện hiệu quả hơn 3 CTMTQG.
Đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu kết luận cuộc làm việc
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác chia sẻ khó khăn với tỉnh, ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh về cơ chế, chính sách, phân bổ vốn, hướng dẫn triển khai thực hiện kịp thời trong thực hiện 3 CTMTQG trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác sẽ tổng hợp chung với đề xuất, kiến nghị của các tỉnh và báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội.
Trước đó, ngày 30/3, Tổ công tác đã khảo sát thực tế tại xã An Sơn (huyện Văn Quan) và xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng).
Thanh Huyền/baolangson.vn