Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên, thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã chú trọng đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học, từ đó xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện.
Thời gian qua, xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học có vai trò quan trọng, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học quan tâm phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật trong các đơn vị, nhà trường; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Phiên tòa giả định tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Cao Lộc
Điểm mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thời gian qua đó là một số trường cấp THPT và trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức “Phiên tòa giả định”, có đầy đủ thành phần, quy trình xét xử như phiên tòa thật. Theo tìm hiểu, từ năm 2021 đến nay, đã có 20 “phiên tòa giả định” được phối hợp triển khai tại các trường học, chủ yếu xét xử các tội danh về ma túy, pháo nổ, xâm hại sức khỏe vị thành niên, bạo lực học đường, giao thông đường bộ… cho hơn 20.000 lượt thanh, thiếu niên và học sinh, sinh viên tham dự. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên.
Có thể kể đến như trong ngày 21/3 vừa qua, Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn phối hợp với Chi đoàn Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa giả định về phòng, chống tác hại của ma túy cho hơn 500 đoàn viên tham dự. Cô Hoàng Thị Bích Diệp, Phó Bí thư Đoàn trường cho biết: Ngoài việc dự phiên tòa giả định, các bạn sinh viên còn được xem clip tuyên truyền về tác hại của ma túy. Thông qua đó giúp sinh viên hiểu rõ nguyên nhân, phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả của tội phạm ma túy và tác hại của ma túy; góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu vấn nạn ma túy trong trường học.
Không chỉ tổ chức hoạt động trên, hiện toàn ngành có 670 đơn vị trường học với 207.000 học sinh, sinh viên, ở mỗi cấp học, việc tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho học sinh đều được các trường linh hoạt triển khai. Trong đó, ở cấp mầm non, các nhà trường chủ yếu dạy trẻ về một số quy định của Luật Giao thông đường bộ, trong đó, chú trọng đổi mới bằng cách sử dụng hình ảnh trực quan, các clip về tình huống cụ thể để trẻ quan sát và cho trẻ tham gia các trò chơi mô phỏng hoạt động tham gia giao thông. Đối với các trường từ cấp tiểu học trở lên, 100% trường đều tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh trong các môn học đạo đức, giáo dục công dân. Đặc biệt, một số trường còn phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức giao lưu, nói chuyện chuyên đề, hỏi đáp về hiểu biết pháp luật với học sinh nhà trường trong giờ chào cờ đầu tuần, giúp các em dễ nhớ, dễ hiểu và nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật.
Em Hứa Thị Mai Trang, học sinh lớp 9A, Trường THCS thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình cho biết: Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của nhà trường đã giúp chúng em hiểu và ý thức hơn đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật, đồng thời tuyên truyền cho người thân, bạn bè cùng chấp hành, không để xảy ra vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, để đổi mới phương thức tuyên truyền, ngành giáo dục tỉnh còn phối hợp với các ngành: tư pháp, công an, lao động – thương binh và xã hội, Tỉnh đoàn… triển khai các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường. Điển hình như phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hoạt động phổ biến cho học sinh các nhà trường về phòng chống tệ nạn xã hội; phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tổ chức tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ; phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức các hoạt động tư vấn học đường,…
Theo rà soát của ngành, từ đầu năm học 2022 – 2023 đến nay, các đơn vị đã phối hợp tổ chức được hơn 40 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 20.000 học sinh tham dự. Ngoài ra, các trường còn hưởng ứng, phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung phổ biến giáo dục pháp luật vào các hoạt động văn hóa văn nghệ của nhà trường.
Bằng việc tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên đã góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện. Ghi nhận của ngành giáo dục tỉnh, từ đầu năm học 2022 – 2023 đến nay, không xảy ra bạo lực học đường và tệ nạn xã hội trong trường học.
Thảo Nguyên/baolangson.vn